Điều trị bằng tế bào gốc

Bệnh nhân (phải) cùng êkip bác sĩ Bệnh viện Beaumont 

Những tin tức về vụ tai tiếng tế bào gốc dỏm của GS Hwang Woo Suk rồi cũng sẽ qua đi. Thế nhưng, không vì thế mà công nghệ tế bào gốc bước giật lùi.

Những kết quả điều trị trong hiện tại, cho dù mới là bước đầu, đã khẳng định từ nay có thể thay thế các tế bào bị hư hỏng hay đã mất bằng cách “gây giống” các tế bào gốc, từ đó “phục hồi” bộ phận bị bệnh mà không va chạm với những ràng buộc đạo đức.

Reuters đón chào năm mới 2006 bằng một bài viết về những ca đầu tiên điều trị thành công bệnh suy tim bằng tế bào gốc. Một bệnh nhân suy tim được tiêm vào tim những tế bào gốc lấy từ máu của chính bệnh nhân với mục đích tái tạo cơ tim. Đã có 70 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này kể từ tháng 5-2005 tại một bệnh viện ở Bangkok, Thái Lan.

Với kỹ thuật này, y khoa đã bước qua một kỷ nguyên mới sau kỷ nguyên ghép tim khởi đầu bởi giáo sư Christiaan Barnard (Nam Phi) vào ngày 3-12-1967. Từ nay có thể phục hồi quả tim suy yếu bằng chính tế bào của bệnh nhân, không phải tìm người cho tim, không lo phản ứng đào thải hoặc những bất trắc khi mổ bắc cầu động mạch vành.

"Phép lạ từ Bangkok?

Nhân bản vô tính kiểu này là đang bị cấm

Thái Lan là “điểm tiếp nhận” kỹ thuật này, vốn do Tập đoàn TheraVitae (Trị liệu vì sự sống) đầu tư nghiên cứu và triển khai trong khi chờ đợi được hoạt động tại Mỹ. Tháng 1-2006 TheraVitae bắt đầu tiến hành điều trị các trường hợp bệnh mạch ngoại vi vốn thường dẫn đến đoạn chi, đến giữa năm nay sẽ điều trị bệnh Parkinson khiến cơ run và yếu; sang năm 2007 điều trị một số chứng mù mắt. Trong tương lai, TheraVitae sẽ điều trị suy thận, tiểu đường, kể cả gãy xương... Việc điều trị này dựa trên phương châm: “Trong cơ thể ta có tất cả những gì cần thiết để tái tạo tất cả những gì ta cần. Không cần đến tế bào phôi”.

Tập đoàn TheraVitae được thành lập từ năm 2003 và chuyên sâu vào công nghệ tế bào gốc theo hướng sử dụng tế bào gốc từ máu bệnh nhân. TheraVitae đặt cơ sở nghiên cứu tại Kiryat Weizmann (Israel), có trụ sở tài chính tại Hong Kong, mượn Bệnh viện Tim Bangkok làm trung tâm điều trị lâm sàng. Tất cả chỉ với 30 “nhân viên cơ hữu” cho cả ba cơ sở, song tất cả đều là những chuyên gia hàng đầu thế giới: GS Alexander Battler, Aaron Ciechanover (Nobel hóa học 2004), Tsvee Lapidot, John Marshall (một trong những nhà tiên phong phẫu thuật mắt bằng laser).

Chỉ sau hai năm mở cửa, TheraVitae đã nổi lên như là trung tâm “đầu ngành” trị liệu bệnh tim bằng kỹ thuật tế bào gốc, đã đăng ký sở hữu với tên gọi là kỹ thuật VesCell™. Tháng 5-2005, bác sĩ Amit Patel (của Trung tâm y khoa tái tạo gen, Đại học Pittsburgh, Mỹ) đã lần đầu tiên cấy tế bào gốc ngay vào tim bệnh nhân theo phương pháp này. Phương pháp VesCell™ như sau:

1/ Trích lấy tế bào từ máu bệnh nhân.

2/ Do lượng tế bào gốc “hữu dụng” của bệnh nhân rất ít nên sẽ chọn lọc những tế bào “khả dụng”, rồi nuôi trong một môi trường thích hợp, biến chúng thành hàng triệu tiền tế bào mạch máu (ACP) có khả năng biệt hóa (thành một loại tế bào như tế bào da, gan, tim, phổi... và chỉ tạo ra đúng loại tế bào ấy mà thôi). Quá trình nuôi tế bào này kéo dài khoảng một tuần.

3/ Đưa vào tim bệnh nhân các tiền tế bào. Một khi được cấy lại vào tim, các tiền tế bào này sẽ tạo ra những thay đổi trong các tế bào của động mạch và các tế bào cơ tim, phục hồi cơ tim và tế bào động mạch. Trong vòng một tháng, bệnh nhân sẽ cảm thấy tim “yên ổn”, ít đau thắt ngực hơn.

4/ Phương pháp này ít “xâm lấn” tức ít “đụng chạm dao kéo” như phương pháp mổ bắc cầu mà mỗi lần lên bàn mổ đều có một tỉ lệ bất trắc nhất định. Cũng không “xâm lấn” gây đau đớn như phương pháp cấy tế bào tủy sống (nguồn: www.theravitae.com).

Thật ra, không chỉ có mỗi bác sĩ Patel hoặc Tập đoàn TheraVitae mới áp dụng phương pháp điều trị bằng tế bào gốc. Từ tháng 2-2003, Bệnh viện Beaumont ở Royal Oak (tiểu bang Michigan, Mỹ) đã cứu sống một thiếu niên 16 tuổi bị đột quị do trúng thương ở ngực bằng cách sử dụng chính tế bào gốc tủy xương của bệnh nhân, sau khi không tìm được người hiến tim. Người ta đã cho bệnh nhân một thứ thuốc kích thích việc sản sinh tế bào tủy xương, sau đó đưa các tế bào này vào lại cơ thể bệnh nhân qua động mạch chủ. Tim bệnh nhân hồi sinh từng bước.

Các kết quả trên (và còn nữa) đã bác bỏ những luận cứ trước đó cho rằng chỉ có thể sử dụng các tế bào phôi thai. Tất cả bắt đầu từ công trình tách rời được tế bào gốc từ bào thai con người và nuôi trong phòng thí nghiệm của GS James Thompson thuộc Đại học Wisconsin năm 1998. Từ đó, người ta thi nhau lấy tế bào gốc từ các phôi thai dự trữ tại các trung tâm thụ thai nhân tạo.

Lại có chủ trương khác đi xa hơn, muốn tạo phôi thai chỉ dùng cho nghiên cứu trị liệu thay thế. Người ta sẽ kích động để tế bào gốc phôi thai sinh sản một cách không giới hạn, để tạo ra được nhiều thế hệ tế bào giống như tế bào mẹ dùng trong trị liệu thay thế. Vấn đề nghiêm trọng về mặt đạo đức được đặt ra: mỗi khi lấy tế bào gốc từ phôi thai sẽ hủy diệt luôn phôi thai đó.

Với phương pháp sử dụng tế bào gốc của chính bệnh nhân, từ nay tế bào gốc có thể được tách ra từ tủy sống, da, máu, giác mạc mắt, não bộ, ở cuống nhau thai, kể cả từ mô mỡ, rồi chuyển đổi thành tế bào máu, xương hoặc sụn. Tất cả đều có khả năng phân sinh và tạo ra nhiều tế bào khác hoàn hảo hơn, lành mạnh hơn để phục hồi chức năng cho các cơ quan, bộ phận suy yếu hay hư hao vì bệnh tật (từ tim phổi, tế bào thần kinh não tủy tới xương, thịt, da, mắt, máu, cơ quan sinh dục...) hoặc đơn giản là đã bị lão hóa.

Khi phương pháp này trở nên hoàn hảo, sẽ là một cuộc cách mạng không chỉ trong trị liệu mà còn cả về mặt kinh tế: điều trị bằng tế bào gốc thay cho hóa dược hay phẫu thuật. Quan trọng không kém là với phương pháp này, sẽ không phải sát hại bất cứ phôi thai nào, có thể phần nào “lách” được quyết định ngày 18-2-2005 của LHQ cấm nhân bản người dưới mọi hình thức, kể cả những kỹ thuật nghiên cứu tế bào gốc.

Quyết định này đã được thông qua với 71 phiếu thuận, 35 phiếu chống và 43 phiếu trắng, cho thấy rõ mâu thuẫn về vấn đề này. Mỹ cùng 70 quốc gia khác cho rằng hình thức nghiên cứu này, cho dù nhằm mục đích gì đi nữa, cũng là lấy đi mạng sống con người. Anh, Bỉ, Singapore... cho rằng quyết định của LHQ không liên quan gì đến các nghiên cứu tế bào gốc vì mục đích trị liệu. Trung Quốc, Hàn Quốc đồng ý cấm nhân bản vô tính sinh sản nhưng sẽ cho phép nghiên cứu tế bào gốc từ phôi thai.

Cuộc chạy đua bắt đầu tăng tốc

Đáng ngạc nhiên là các nghiên cứu của bác sĩ Patel đã được tiến hành không phải ở Mỹ mà ở... Nam Mỹ, cho dù ông đang là giám đốc Trung tâm Y học tái sinh của Đại học Pittsburgh (Hoa Kỳ), do phương pháp điều trị này chưa được FDA (Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) phê duyệt. Sau kết quả thành công này, bác sĩ Patel lại tiếp tục “di cư” sang Thái Lan để làm việc với Tập đoàn TheraVitae. Nửa triệu người Mỹ suy tim đã tìm đường sang Bangkok, với chi phí điều trị khoảng 31.000 USD/ca.

Thật ra ở Mỹ cũng đã có một vài động tác thích ứng nhằm không để cho thị trường béo bở với hàng chục triệu người mắc bệnh tim này vuột khỏi tay. Một vài tiểu bang đã có những quyết định đột phá. Ngày 2-11-2004, cử tri tiểu bang California đã bỏ phiếu thông qua đề xuất luật 71 gọi là “Sáng kiến nghiên cứu và điều trị bằng tế bào gốc” của tiểu bang California tài trợ 3 tỉ USD các nghiên cứu về tế bào gốc.

Ngay lập tức đã ra đời Viện Nghiên cứu y học tái sinh California (CIRM) vào đầu năm 2005. Chính quyền bang Illinois có đề xuất tài trợ 1 tỉ USD. Tiểu bang Wisconsin có dự án thành lập một viện nghiên cứu tế bào gốc với kinh phí 375 triệu USD. Tiểu bang New Jersey cũng muốn dành 150 triệu USD để xây dựng một viện tế bào gốc và dành 230 triệu nữa để hỗ trợ nghiên cứu.

Châu Á cũng không đứng ngoài cuộc chạy đua. Hàn Quốc nay “ngã ngựa” vì đã đầu tư quá nhiều nơi GS họ Hoàng. Chính phủ Singapore dành 600 triệu đôla đầu tư cho nghiên cứu tế bào gốc và nhiều dự án công nghệ sinh học khác. Một số nhà nghiên cứu Singapore đang tập trung cho một phương pháp mới điều trị tiểu đường bằng tế bào gốc.

PR Leap 18-11- 2005 cho biết Mỹ đang chảy máu chất xám vì nhiều nhà khoa học Mỹ trong lĩnh vực này, do không thể đợi có những tháo gỡ luật pháp cấp liên bang, đã sang Singapore làm việc và thậm chí đăng ký sở hữu trí tuệ ở đây. Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản cũng đầu tư rất nhiều cho lĩnh vực này.

HỮU NGHỊ
Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video