Dự án scan dưới nước lớn nhất trong lịch sử

Lần đầu tiên một nhóm nhà nghiên cứu tạo ra bản sao 3D xác tàu Titanic với độ chính xác tới từng milimet.

Các sử gia hiện nay tin rằng một dự án scan dưới nước mới có thể cung cấp câu trả lời cho một số câu hỏi chưa có lời giải liên quan tới thảm kịch từng giết chết hơn 1.500 người. Một nhóm nhà khoa học sử dụng phương pháp lập bản đồ biển sâu để tạo ra bản sao kỹ thuật số chính xác của xác tàu Titanic lần đầu tiên, theo thông báo hôm 17/5 từ công ty Magellan và nhà làm phim Atlantic Productions.


Nhóm nghiên cứu có thể sử dụng dữ liệu scan để tìm ra cơ chế thực sự phía sau thảm kịch của tàu Titanic. (Ảnh: Atlantic Productions/Magellan)

Thông qua tiến hành "dự án scan dưới nước lớn nhất trong lịch sử", các nhà khoa học có thể hé lộ chi tiết thảm kịch và khám phá thông tin thú vị về những gì thực sự xảy ra với thủy thủ đoàn và hành khách vào đêm định mệnh 14/4/1912. Quá trình scan xác tàu diễn ra vào mùa hè năm 2022 bởi tàu chuyên dụng đậu ngoài khơi cách bờ biển Canada 700km. Những quy định chặt chẽ ngăn thành viên nhóm nghiên cứu chạm vào hay làm xáo trộn xác tàu. Nhóm điều tra viên nhấn mạnh họ xử lý xác tàu với sự tôn trọng cao nhất.

Mỗi milimet ở khu vực có mảnh vỡ của tàu dài 4,8km được lập bản đồ chi tiết. Bản sao kỹ thuật số cuối cùng mô phỏng thành công toàn bộ xác tàu bao gồm cả phần mũi tàu và đuôi tàu bị tách ra khi con tàu chìm vào năm 1912. Parks Stephenson, chuyên gia nghiên cứu tàu Titanic suốt 20 năm, nhận xét dự án hé lộ những chi tiết chưa từng thấy bao giờ. "Chúng tôi thu được dữ liệu thực sự mà các kỹ sư có thể dùng để kiểm tra cơ chế thực sự phía sau quá trình vỡ đôi và chìm tàu, qua đó tiến gần hơn tới câu chuyện thực sự phía sau thảm họa Titanic", Stephenson nhấn mạnh. Một ví dụ nằm ở chân vịt tàu, nơi số seri được nhìn thấy lần đầu tiên sau hàng thập kỷ.

Nhóm nghiên cứu đã thu thập khoảng 715.000 bức ảnh và 16 terabyte dữ liệu trong chuyến thám hiểm. Magellan ước tính bản sao kỹ thuật số lớn gấp khoảng 10 lần bất kỳ mô hình 3D dưới nước nào từng được tạo ra trước đây. Theo Richard Parkinson, giám đốc điều hành Magellan, nhiệm vụ rất khó khăn bởi cả nhóm phải đương đầu với thời tiết xấu và thách thức về mặt kỹ thuật. Trong khi ảnh quang học trước đây của con tàu bị hạn chế bởi ánh sáng yếu ở độ sâu 3.810 m dưới nước, kỹ thuật lập bản đồ mới loại bỏ hiệu quả tác động của nước và tận dụng tốt ánh sáng.

Theo chuyên gia chụp hình 3D Gerhard Seiffert, mô hình 3D độ chính xác cao cho phép mọi người phóng to và xem xét toàn bộ xác tàu lần đầu tiên. Bản đồ này sẽ mở ra một chương mới trong nghiên cứu và khám phá tàu Titanic, theo Stephenson.

Cập nhật: 19/05/2023 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video