Một nghiên cứu mới đây do các nhà khoa học Đại học Boston thực hiện và được đăng tải trên tạp chí “Nature” hôm nay khẳng định, đường không chỉ giúp cho việc uống thuốc dễ dàng hơn mà còn phát huy công dụng của thuốc kháng sinh.
Mặc dù cho đến thời điểm này, nghiên cứu cũng chỉ đơn thuần được tiến hành với động vật và mới dừng lại ở những kết luận sơ đẳng, nhưng các nhà khoa học tin tưởng rằng, đường thật sự có tác dụng trong việc tăng hiệu quả điều trị bệnh của một số loại thuốc kháng sinh.
Nếu nghiên cứu này được đưa vào ứng dụng, các nhà khoa học hy vọng rằng có thể cải thiện công dụng của thuốc mà không cần phải chế tạo những loại thuốc mới tốn rất nhiều chi phí.
Vi khuẩn mạn tính (persistent bacteria)
Một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, bao gồm tụ cầu khuẩn, khuẩn liên cầu, bệnh lao, nhiễm trùng tai và nhiễm trùng đường tiết niệu…đều là những bệnh mãn tính và vẫn có thể tái phát trở lại ngay cả khi đã được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Tại sao lại như vậy?
Bởi vì có một số vi khuẩn thuộc nhóm “persisters” (những vi khuẩn trường tồn, không chết). Người bệnh bị lây nhiễm vi khuẩn này, bệnh có thể kéo dài dai dẳng hàng tháng, và có thể tái phát lại ngay cả khi đã có dấu hiệu phục hồi. Không những thế, loại vi khuẩn này còn có khả năng lây lan rất nhanh chóng, có thể gây nhiễm trùng lên những bộ phận khác của cơ thể.
Vi khuẩn “Persisters” không giống với vi khuẩn kháng thuốc. Sở dĩ chúng tồn tại được là do cơ chế “giả vờ chết”: Chúng đóng cửa chức năng trao đổi chất bình thường và nằm im trong cơ thể.
Biện pháp sử dụng đường của các nhà khoa học nhằm mục đích đánh thức các vi khuẩn này và “dụ” để cho chúng ăn thuốc. Đường sẽ kích thích các vi khuẩn này, đem chúng trở lại cuộc sống và sau đó tiêu diệt chúng.
Giáo sư Collins (thuộc Đại học Boston) và các cộng sự của ông đã thử nghiệm phương pháp mới này trên những con chuột bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Kết quả cho thấy, điều trị bằng kháng sinh cộng với đường có thể giết 99,9 phần trăm vi khuẩn “persisters” (cụ thể là vi khuẩn E. coli). Điều trị với kháng sinh một mình không có hiệu lực.
Tuy nhiên, biện pháp điều trị mới này mới chỉ được áp dụng cho nhóm thuốc kháng sinh gọi là aminoglycoside, bao gồm gentamicin và kanamycin. Việc kết hợp các loại đường khác nhau cũng có thể tạo nên sự khác biệt. Hiện các nhà nghiên cứu đang điều tra xem liệu đường có thể được sử dụng để cải thiện công dụng của các loại thuốc chống lao hay không.
Những khó khăn
Đề cập đến nghiên cứu mới này, Nathalie Q. Balaban, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học The Hebrew University of Jerusalem bày tỏ: “Đây là một công trình nghiên cứu khá thú vị. Các nhà khoa học cho thấy họ có thể đánh lừa ngay cả những con vi khuẩn cứng đầu nhất”.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu này, thử nghiệm trên chỉ mới được tiến hành với loài chuột. Do đó, các nhà khoa học cần phải thực hiện thêm nhiều nghiên cứu nữa để kiểm tra xem liệu có một hiệu ứng tương tự với con người hay không.
Và, tất nhiên, điều mà nhà nghiên cứu này băn khoăn là làm thế nào để đưa được đường vào những bộ phận bị nhiễm trùng trên cơ thể. Đây quả là một thách thức lớn với các nhà khoa học.