Hình thức tử hình nào nhân đạo nhất?

Tử hình bằng cách tiêm thuốc cho tử tù đã giúp chấm dứt các cuộc hành quyết ghê rợn trong quá khứ. Tuy nhiên sau một chuỗi những vụ hành quyết "lỗi", tính nhân văn của hình thức này bị đặt trước những nghi vấn. Liệu có lựa chọn nào khác không?

Những phạm nhân điển hình

Buông lời cuối cùng "anh yêu em", sau đó là lời cầu nguyện Hồi giáo, tử tù Charles Brooks Jr rời mắt khỏi bạn gái và cảm thấy cái chết ập đến.

Anh ta nằm trên một chiếc cáng trắng, quần áo từ đầu tới chân theo phong cách thời trang thập niên 80, với quần vàng và áo sơ mi phanh cúc. Trên một tay anh ta gắn ống truyền và vây quanh là các bác sĩ. Người đàn ông trông giống như một bệnh nhân trong bệnh viện.

Tuy nhiên, đó lại là những giây phút cuối cùng của Charles trong phòng tử hình tại một nhà tù ở Texas. Đó là vào năm 1982, lần đầu tiên việc tiêm thuốc được áp dụng đối với các tử tù ở Mỹ.

Trước đó, phương pháp tử hình phổ biến của quốc gia này là sử dụng ghế điện – hình thức mà hiện nay được xem như tra tấn. Nó rất bạo lực, đôi khi nhãn cầu của nạn nhân sẽ bật ra và rơi xuống má. Hình thức này cũng thường khiến cháy tóc, những người bảo vệ hành quyết phải để bình chữa cháy ở gần đó để đề phòng.

Việc tiêm thuốc được đánh giá là tốt hơn và tiên tiến hơn, không gây đổ máu, không la hét. Một nhân chứng trước cái chết của Brooks cho biết phạm nhân chỉ hơi ngáp và nôn nhẹ. Vài phút sau, một bác sĩ nói: "Tôi xin thông báo, người đàn ông này đã chết".

Đến nay, phương pháp này vẫn là lựa chọn hàng đầu ở các tiểu bang Hoa Kỳ - nơi tử hình được coi là hợp pháp. Tuy nhiên, nó có thể không "yên ả" như mọi người vẫn thấy. Vấn đề là, không ai có thể thực sự kiểm chứng. Không có nghiên cứu hoặc thử nghiệm dưới bất kỳ hình thức nào.


Betty Lou Beets bị buộc tội giết chết người chồng thứ năm của mình năm 1985 và bị xử tử bằng cách tiêm thuốc năm 2000. (Ảnh: Getty Images).

Trở lại năm 2005, khi hơn một ngàn ca tử hình được thực hiện bằng cách tiêm thuốc, một nhóm các nhà khoa học đã quyết định nghiên cứu về hình thức này. Dẫn đầu bởi Leonidas Koniaris, bác sĩ phẫu thuật tại Indiana, Indianapolis, nhóm đã nghiên cứu hồ sơ tử hình ở Texas, Virginia và phát hiện ra rằng 44% tử tù có thể đã nhận thức được khi họ chết và có thể đã trải qua cảm giác đau đớn. Họ không thể quằn quại hay gào thét chỉ bởi thuốc tiêm có chứa chất tê liệt cơ bắp.

Một số vụ hành quyết "lỗi"

Nghiên cứu sâu hơn cho thấy, một trong những chất ngừng hoạt động của tim đã không có tác dụng. "Những gì xảy ra dựa trên dữ liệu này là rất, rất đáng lo ngại. Điều này có nghĩa cơ chế cái chết của các tử tù là do nghẹt thở". Chuyên gia cho biết: "Đó là một kịch bản ghê rợn. Cũng có thể nói, chúng ta đã sử dụng một phương pháp giết người tàn bạo". Mặc dù đa số người Mỹ đồng ý với án phạt tử hình, nhưng rất ít người muốn phạm nhân hành quyết phải trải qua đau đớn.

Hiện nay, việc liên tục thiếu các loại thuốc tử hình đã khiến một số bang phải thử nghiệm phương án thay thế. Kết quả là, một số vụ hành quyết đã bị "lỗi", như vụ một người đàn ông mất tới 2 giờ với 640 lần thở gấp trước khi chết. Có thể nói, hình thức tiêm thuốc cho tử từ đang trong giai đoạn khủng hoảng.

Có hình thức nào nhân đạo hơn không?

Suốt hàng ngàn năm, việc tử hình được thực hiện công khai trước sự chứng kiến của đông đảo công chúng. Từ việc dìm chết phạm nhân bằng bao tải cùng với động vật, đến việc moi phổi, nhân loại dường như không thiếu ý tưởng - và ít sự nhân đạo để ban hành các hình thức tử hình.


Suốt hàng ngàn năm, hành quyết được thực hiện công khai. (Ảnh: Getty Images).

Ở Ba Tư cổ đại áp dụng hình thức tử hình "schapism". Theo đó, nạn nhân bị kẹp giữa hai chiếc thuyền một trên một dưới, với tay và chân thò ra ngoài, sau đó phủ sữa và mật ong lên và bỏ mặc để sâu bọ xâm hại. Một du khách đến thăm Delhi, Ấn Độ vào thế kỷ 14 đã kể lại rằng, ở đây những con voi được huấn luyện dùng ngà đã được gắn thêm dao để cắt các tử tù thành từng mảnh.

Máy chém

Tuy nhiên, tính nhân đạo trong hành quyết đã được quan tâm đến vài trăm năm trở lại đây. Đó là bắt đầu vào năm 1789, với sự ra đời của máy chém. Tại thời điểm đó, Cách mạng Pháp vừa bắt đầu và những người đứng đầu giới quý tộc Paris khởi xướng hình thức này. Sau một loạt các vụ tử hình đẫm máu, có những khi sử dụng đến cả rìu, rõ ràng việc tử hình cần phải được hiện đại hóa.

Bác sỹ Joseph-Ignace Guillotin – người đầu tiên cho rằng hành quyết nên được thực hiện nhân đạo hơn. Ông đề nghị sử dụng máy chém làm hình thức thay thế. Trong bài phát biểu của mình, ông cho biết: "Hiện tại, chiếc máy của tôi có thể chặt đầu phạm nhân trong nháy mắt mà họ không kịp cảm nhận gì". Sau đó mọi người đặt tên chiếc máy theo tên của ông, mặc dù Guillotin không thực sự phát minh ra nó.

Máy chém gồm một con dao nghiêng, treo phía trên nạn nhân bằng một giá gỗ. Một số mẫu máy chém còn có rổ để đựng đầu. Với trọng lượng của lưỡi dao, phương pháp này được chứng minh là nhanh hơn và "đáng tin" hơn so với chặt đầu bằng tay.

Vậy phương pháp này nhân đạo ở chỗ nào? Các thử nghiệm trên chuột bạch với những chiếc máy chém nhỏ là minh chứng cho điều này.


Hình thức tử hình phổ biến nhất hiện nay là treo cổ. (Ảnh: Getty Images).

Một nghiên cứu từ năm 1975 cho thấy các dấu hiệu nhận thức tồn tại trong khoảng từ 9 đến 18 giây sau khi động vật bị chặt đầu. Khoảng thời gian này đã được chứng minh ở các loài động vật khác, vì vậy nó có thể cũng tương tự với con người.

Treo cổ

Hiện hình thức chém đầu vẫn được áp dụng, đặc biệt là ở Saudi Arabia, nơi 146 người đã bị hành quyết bằng cách này năm 2017. Tuy nhiên, cho đến nay hình thức tử hình phổ biến nhất là treo cổ.

Có hai cách hành quyết bằng treo cổ: "thả ngắn" và "thả dài". Thể hiện ngay ở cái tên, thả ngắn sẽ thả tử tù từ độ cao thấp hơn và giết chết tử tù bằng cách ngạt thở. Cách này thường được cho là rất đau đớn.

"Thả dài" được đánh giá là lựa chọn nhân đạo hơn. Trong kịch bản "chuẩn", sợi dây thừng sẽ phá vỡ xương thứ hai trên cổ nạn nhân. Việc "gãy xương cổ" cũng cắt đứt tủy sống, làm cho huyết áp của tử tù giảm xuống trong chưa tới một giây. Nạn nhân thường mất ý thức ngay lập tức, mặc dù có thể mất đến 20 phút tim của họ mới ngừng đập.

Để thực hiện chính xác như kịch bản, phương pháp này đòi hỏi phải tính toán tỉ mỉ. Nếu thả quá dài, đầu của phạm nhân sẽ bị rơi ra. Ngược lại, nếu quá ngắn, tử tù sẽ bị nghẹt thở đến chết. "Theo kinh nghiệm của tôi, có rất nhiều lỗi đã xảy ra chứ không đúng như lý thuyết", Megan McCracken thuộc phòng khám tử hình tại UC Berkeley cho biết. Từ năm 1996, Mỹ đã không còn sử dụng biện pháp hành quyết này nữa.

Trước đây ở Anh đã công bố bảng tính toán về mối quan hệ giữa trọng lượng cơ thể và độ dài của dây thừng để giúp tội phạm có một cái chết nhanh nhất có thể. Mặc dù bây giờ Anh đã xóa bỏ án tử hình, nhưng Khối Thịnh vượng chung ((Khối Liên hiệp Anh) thì chưa, họ vẫn sử dụng bảng tính toán đó.

Xử bắn

Mặc dù việc xử bắn thường liên quan đến tội ác chiến tranh và quân sự, gần đây hình thức này đã được Tiểu Bang Utah thông qua như một phương án dự phòng. Xử bắn cũng được sử dụng thường xuyên tại Bắc Triều Tiên.


Xử bắn đã được áp dụng suốt hàng trăm năm. (Ảnh: Getty Images).

Trong một vụ bắn hành quyết điển hình, tội phạm được cố định vào một chiếc ghế có một vòng giữ trên đầu. Sau đó năm xạ thủ sẽ bắn vào ngực họ.

Năm 1938, Tiểu Bang Utah đã sử dụng phương pháp này để hành quyết John Deering - người đàn ông 40 tuổi bị kết tội giết người. Phạm nhân đã quyết định nối thân mình với một điện tâm đồ trong khi tử hình. Nhờ thế, chúng ta có thể hình dung ra cơ chế mà hình thức này hoạt động.

Màn hình hiển thị cho thấy tim của Deering đã ngừng đập chỉ 15 giây sau khi bị bị bắn. Không thể biết chắc chắn tử tù đã đau trong bao lâu. Thử nghiệm trên chuột bạch vào năm 2015 cho thấy, có sự tăng hoạt động não kéo dài khoảng 30 giây. Điều này có thể giải thích tại sao những người từng trải qua giây phút cận kề cái chết kể về cảm giác nhận thức cao độ. Sau đó thì mọi thứ tối sầm lại.

Ghế điện

Ghế điện lần đầu tiên được phát minh như một giải pháp thay thế nhân đạo hơn treo cổ. Giống như máy chém và tiêm thuốc độc, nó được xem là văn minh và khoa học.


Giống như máy chém và tiêm thuốc độc, ghế điện ban đầu được xem là cách thức hành quyết văn minh và khoa học. (Ảnh: Getty Images).

Một trong những tác giả của hình thức này - một nha sĩ, đã nghe kể về một công nhân bến tàu say rượu chạm vào máy phát điện và chết ngay lập tức. Từ đó, ông nảy ra ý tưởng về chiếc ghế điện. Hình thức này đã được sử dụng để hành quyết một kẻ sát nhân 3 năm sau đó.

Giai đoạn "ổn định" của ghế điện cũng không kéo dài. Không lâu sau, công chúng biết đến việc những cái chết bằng ghế điện thường khá "lộn xộn". 9 bang Hoa Kỳ tiếp tục sử dụng ghế điện như phương án dự phòng, mặc dù điều này gây tranh cãi.

Trước khi hình thức tiêm thuốc độc được đưa vào các phương án tử hình vào năm 1982, các bang của Mỹ đều áp dụng hình thức này. Và đến nay, nó vẫn chưa được xóa bỏ hoàn toàn mà vẫn được đưa vào các lựa chọn tử hình cho tử tù.

Tính nhân đạo của việc tử hình bằng ghế điện vẫn bị tranh cãi rất nhiều. Nó thực sự rất đáng sợ, có trường hợp mắt của tử tù còn rơi ra ngoài; hay có trường hợp phải bố trí nhân viên cứu hỏa vì tóc của nạn nhân bốc cháy trong quá trình thi hành án.

Ngạt khí

Những vấn đề liên quan tới ghế điện dẫn chúng ta tới ý tưởng mới nhất: "ngạt khí", hay thay thế oxy bằng khí trơ như nitơ hoặc heli. Phương pháp này lần đầu tiên được giới thiệu bởi cựu bộ trưởng Anh Michael Portillo. Trong How To Kill a Human Being (tạm dịch: Làm thế nào để giết một người), ông tuyên bố rằng phương pháp này là "một thiết bị giết người hoàn hảo".

Tuy nhiên, phương pháp này cũng nhanh chóng sụp đổ. Một nghiên cứu từ những năm 1960 cho thấy, những tình nguyện viên khi hít thở nitơ tinh khiết đã mất ý thức trong khoảng 17-20 giây. Trong khi, dựa vào các nghiên cứu trên động vật, người ta đã cho rằng tử tù sẽ ngừng thở sau 3 giây.


Từ lâu đã có những quan tâm về tính nhân đạo của việc hành quyết. (Credit: Getty Images).

Và do đặc điểm sinh học, việc ngạt khí dường như không gây đau bởi cơ thể không thể phát hiện việc thiếu oxy. Hiện tượng chỉ là lượng khí carbon dioxide thừa gây axit máu và cảm giác đau ở bắp chân như sau khi tập thể dục. Điều này có nghĩa hình thức này không gây cảm giác nghẹt thở.

Vậy cảm giác thế nào?

John Levinson, một bác sĩ tim mạch đồng thời là phi công tại Boston, Massachusetts, có "kinh nghiệm" về chuyện này. Cách đây vài năm, ông đã lái chiếc máy bay Mooney của mình ở độ cao 23.000 feet (7km) - chiều cao mà bầu khí quyển Trái Đất mỏng hơn và các phi công phải sử dụng oxy bổ sung.

Sau đó ông làm một việc nguy hiểm đó là nghiêng một góc mặt nạ và tiếp tục thở. "Sau khoảng 30 giây, tôi cảm thấy rất kỳ lạ", ông cho biết. "Tôi không thấy ảo giác, đau đớn hay bấn loạn, chỉ cảm thấy kỳ lạ. Nó không giống rượu hay bất kỳ chất nào khác cả".

Các triệu chứng dù rất nhỏ của tình trạng thiếu oxy là đặc biệt nguy hiểm đối với các phi công khi đang ở độ cao lớn. Họ không thể nhận ra điều bất thường. Đây cũng được cho là nguyên nhân giết chết một người đàn ông hồi đầu năm nay. Người này đã bất tỉnh trong chiếc máy bay nhỏ của mình trước khi bị mất tích trên Vịnh Mexico.


"Nhắc đến hành quyết, tôi nghĩ mọi người cần hiểu rằng án tử hình vốn đã không phải là nhân đạo" - Robert Dunham. (Ảnh: Getty Images).

Trong trường hợp của Levinson, ông đang bay cùng người hướng dẫn của mình và người này đã hạ cánh an toàn khi ông ngất xỉu. Cảm giác về ngạt khí đó đã giúp ông có thể nhận ra khi gặp phải sự cố tương tự sau đó. Nhiều năm sau, khi đang bay cùng vợ, Levinson bắt đầu có cảm giác kì lạ. Ông nhận ra hiện tượng ngay lập tức và điều chỉnh nguồn oxy trước khi bất cứ ai bị thương.

Ba tiểu bang Hoa Kỳ hiện đã sử dụng ngạt khí làm hình thức dự phòng. Nhưng liệu rằng đó có tiếp tục là một sai lầm?

Robert Dunham, một luật sư đồng thời là Giám đốc điều hành của Trung tâm thông tin hình phạt tử hình, chắc chắn nghĩ như vậy. "Ngạt khí không diễn ra nhanh như được giới thiệu. Trên động vật, mèo và chó nhận thức được cái chết sắp diễn ra trước khi mất đi ý thức. Và phải mất ít nhất bảy phút mới có thể khiến một con lợn chết ngạt theo cách này".

Một trong những vấn đề căn bản là phương pháp này phụ thuộc vào sự hợp tác của tù nhân: nếu họ nín thở hoặc hơi thở của họ quá nông, có thể phải mất nhiều thời gian hơn mới có thể giết họ. "Tất nhiên tôi hiểu, về mặt lý thuyết đây là hình thức nhân đạo. Nhưng nó khác xa với những gì thực tế diễn ra trong một phòng hành quyết", McCracken cho biết.

Theo Dunham, có thể các nạn nhân cần phải được gây mê trước. Và điều này đưa chúng ta trở lại những vấn đề phải đối mặt với việc tiêm thuốc hành quyết cho người: không có công ty dược phẩm nào muốn thuốc của họ dùng để giết người.

"Vấn đề chính là mọi người muốn tử tù bị hành quyết, nhưng lại không muốn giết ai một cách tàn tạo. Đó là một mâu thuẫn nội tại", ông chia sẻ.

"Khi nói đến hành quyết, tôi nghĩ mọi người cần phải hiểu rằng án tử hình vốn dĩ đã không nhân đạo".

Tiêm thuốc độc


Tiêm thuốc độc là hình thức được ưu tiên hàng đầu hiện nay.

Tiêm thuốc độc là hình thức được ưu tiên hàng đầu hiện nay, vì nó cho tử tù có một cái chết nhẹ nhàng và nhanh chóng.

Nhưng mãi đến năm 2005, sau khi đã có hàng ngàn tử tù bị thi hành án dưới hình thức này, các nhân viên y tế lại thắc mắc liệu phương pháp này có thực sự nhân đạo. Vì theo quan sát, họ phát hiện ra rằng có đến 44% các tử tù trước khi chết đều có ý thức. Do sau khi tiêm thuốc các cơ của tử tù co giật, làm họ không thể cử động hay phát ra tiếng nhưng họ hoàn toàn ý thức được điều đó.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chỉ ra rằng, thuốc độc hoàn toàn không thể khiến cho tim của tử tù ngừng đập ngay. Họ đã nghiên cứu ra nhiều loại thuốc độc khác, nhưng kết quả cũng không được tốt cho lắm. Vì vậy trong tương lai, hình thức này cũng sẽ bị thay thế.

Cập nhật: 14/04/2020 Theo vnreview/lostbird
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video