Sau khi thức dậy, Michelle Myers bất ngờ nói được tiếng Ireland, Australia và giọng Anh-Anh.
Năm 2018, Michelle Myers (47 tuổi, ở Arizona, Mỹ) gây xôn xao dư luận bởi hội chứng bí ẩn mà cô gặp phải. Theo ABC 15, bà mẹ 7 con gặp cơn đau đầu dữ dội. Sau đó, Myers đi ngủ. Khi thức dậy, bất ngờ người phụ nữ này quên tiếng mẹ đẻ và phát âm giống người Ireland. Tình trạng này lặp lại. Lần thứ 2, bà nói được tiếng Australia.
Vài năm sau, bà không thể nói giọng Mỹ được nữa. Thay vào đó, Myers phát âm như người Anh bản xứ. Hội chứng mà Myers gặp phải được gọi là Foreign Accent Syndrome (FAS - Hội chứng nói giọng nước ngoài).
Hội chứng hiếm gặp chỉ hơn 100 người mắc
Chia sẻ với ABC 15, Michelle Myers cho hay bà cảm thấy như một người khác sau sự kiện bí ẩn. Bà chưa từng rời khỏi Mỹ nên việc có thể nói tiếng/giọng nước ngoài là điều khó hiểu.
Khi còn nhỏ, bà thường bị những cơn đau nhức xương hành hạ, phải đến bệnh viện nhiều lần để chữa trị. Các bác sĩ chẩn đoán bà mắc hội chứng Ehlers-Danlos. Nó khiến các khớp mềm dẻo quá mức và da căng giãn, mỏng hơn bình thường. Nếu bị tai nạn phải khâu vết thương, da của Myers sẽ không đủ khỏe để giữ các đường chỉ. Chính vì vậy, bà bị hạn chế ra ngoài suốt tuổi thơ để phòng những hậu quả xấu có thể xảy đến.
Michelle Myers thức dậy và quên tiếng mẹ đẻ nhưng lại phát âm giống người Ireland. (Ảnh: ABC 15).
Nhiều bác sĩ suy đoán nguyên nhân tình trạng FAS cũng như mối liên hệ của nó với Ehlers-Danlos nhưng chưa tìm ra kết quả. Bà Mayers bày tỏ sự buồn rầu khi mỗi lần cất tiếng nói đều như của người khác. Cuộc sống có nhiều thay đổi về mặt tâm lý nhưng Myers vẫn lạc quan cùng 7 người con. Bà thường nghe chúng hát, chơi nhạc cụ. Khi rảnh, bà vẽ tranh, viết lách và truyền cảm hứng cho người xung quanh.
Với Sharon Campbell-Rayment (56 tuổi, ở Canada), cú ngã ngựa năm 2008 đã khiến cuộc sống của bà rẽ sang trang mới. Chấn thương làm Sharon bị cảm nặng. Di chứng sau đó là bà nói tiếng Scotland trong một thập kỷ.
Sharon lớn lên ở tây nam Ontario, Canada và tổ tiên là người Scotland. Sau chấn thương và ngôn ngữ khác lạ, Sharon quyết định dùng giọng nói để truyền cảm hứng cho những người xung quanh, giúp họ lạc quan hơn.
Nhà ngôn ngữ học Sheila Blumstein tại Đại học Brown, Mỹ, đã dành nhiều năm nghiên cứu về FAS. Trao đổi với tờ The Washington Post, bà đưa ví dụ về một phụ nữ tại Virginia gặp tình trạng nói tiếng nước ngoài sau khi ngã cầu thang. Cú ngã nặng làm rối loạn não bộ và bệnh nhân nói được tiếng Nga. Chấn thương cũng khiến bà bị tình trạng ngắn lưỡi, thu hẹp tốc độ phát âm.
Trường hợp mắc FAS khác là Lisa Alamia, ở Rosenberg, Texas, Mỹ. Tỉnh dậy sau cuộc phẫu thuật hàm vào tháng 12/2016, Lisa bất ngờ phát âm trôi chảy giọng Anh-Anh thay vì Anh-Mỹ. Lisa chia sẻ nói với ABC News: "Tôi không biết làm thế nào để lấy lại giọng thật của mình. Cảm giác rất bối rối và sốc”.
The Atlantic dẫn trường hợp khác là Astrid, ở Na Uy. Năm 1941, bà bị mảnh đạn găm vào não bộ sau trận đột kích. Hai năm sau, bà Astrid tới gặp bác sĩ thần kinh bởi bản thân thỉnh thoảng nói được ngôn ngữ Đức, Pháp bên cạnh tiếng mẹ đẻ. Sau đó, Astrid bị những người xung quanh xa lánh vì nghi ngờ thân thế.
Thống kê của Mayo Clinic cho thấy trên thế giới chỉ có khoảng 100 trường hợp được ghi nhận mắc hội chứng giọng nước ngoài. Ca mắc đầu tiên được phát hiện vào năm 1907 do nhà thần kinh học người Pháp Pierre Marie ghi lại.
Ông ghi nhận trường hợp khác là người đàn ông sống tại Paris (Pháp), sau khi bị đột quỵ, đột nhiên nói bằng giọng Alsatian. Trường hợp này không phải là người từ vùng biên giới Pháp - Đức - nơi ngôn ngữ trên được sử dụng.
86% bệnh nhân mắc FAS do chấn thương não, đột quỵ. (Ảnh: Freepik).
Nguyên nhân là một bí ẩn
Foreign Accent Syndrome (FAS) là hội chứng rối loạn giọng nói khiến người mắc quên tiếng mẹ đẻ (một vài trường hợp không bị). Người đó sẽ phát âm và nói được ngôn ngữ khác mà họ chưa từng học qua trước đây.
Theo một nghiên cứu được công bố vào đầu năm 2016 trên tạp chí Frontiers in Human Neuroscience, khoảng 86% các trường hợp mắc FAS liên quan tổn thương thần kinh ở các trung tâm phát âm của não, đột quỵ…
Những bệnh nhân này thường không sử dụng một giọng cụ thể. Tuy nhiên, ngay cả với các chấn thương não nghiêm trọng, các nhà nghiên cứu không dám chắc đây là nguyên nhân và cơ chế dẫn tới FAS.
Loại thứ 2 là không liên quan đến thay đổi của não bộ. Nhóm này được cho là mắc FAS do tâm lý. Ví dụ, lo lắng, trầm cảm hoặc chấn thương tinh thần có thể gây thay đổi trong não bộ, cách nó tiếp nhận thông tin. Điều này khiến giọng nói bị thay đổi từ trong tiềm thức.
Điển hình như ca bệnh được ghi nhận vào năm 2008, một phụ nữ (không được tiết lộ danh tính) bị chứng rối loạn hoảng sợ, sau đó là khiếm khuyết giọng nói và cuối cùng bà mắc FAS. Nguyên nhân được đưa ra là cú sốc sau cái chết của cha người này.
Trầm cảm, sốc tinh thần có thể là nguyên nhân dẫn đến FAS. (Ảnh: Twitters).
Một nghiên cứu năm 2016 từ Đại học City London, Anh, đã phát hiện hội chứng giọng nước ngoài có thể do suy giảm kết nối giữa các trung tâm ngôn ngữ ở phần trước của não và tiểu não. Kết quả này được đăng trên tạp chí Frontiers of Neuroscience.
Trong bài báo, nhóm tác giả mô tả trường hợp được xem là hiếm nhất trong những người mắc FAS. Cậu bé 17 tuổi, người Hà Lan gốc Bỉ biết nói tiếng Pháp dù chưa từng học qua. Nhóm sử dụng một số bài kiểm tra, bao gồm chụp MRI, quét não SPECT…
Họ phát hiện sự thiếu hụt đáng kể ở phần trước của não. Đây là nơi chịu trách nhiệm cho các hoạt động điều hành, bao gồm trí nhớ, giải quyết vấn đề… Đặc biệt, nhóm nhận thấy cậu bé người Hà Lan bị thiếu hụt bán cầu cạnh tiểu não.
Theo tiến sĩ Jo Verhoeven (Đại học City London, Anh), ảnh quét cho thấy sự gián đoạn đường dẫn giữa trung tâm ngôn ngữ của não với tiểu não. Họ có nhiều bằng chứng về việc tiểu não gặp vấn đề là nguyên nhân gây FAS. Dù vậy, vẫn chưa có kết luận rõ ràng về hiện tượng này.
Những thay đổi liên quan hội chứng giọng nước ngoài thường ở cách đặt trọng âm khi nói. Theo Đại học Texas Dallas, Mỹ, người bệnh có thể thay đổi phát âm các âm tiết nhất định. Ngoài ra, một số cách đọc nhiều chữ cái bị thay thế hoặc bóp méo. Những người khác gặp tình trạng chèn thêm âm vào từ hay mắc lỗi khi phát âm đặc trưng.
Đến nay, Đại học Texas Dallas đã nhiều lần thử điều trị cho những người mắc hội chứng giọng nước ngoài. Tuy nhiên, họ không thành công.