Ðiều trị bỏng bằng cấy ghép nguyên bào sợi

Mới đây, tại Viện Bỏng quốc gia, các chuyên gia trong nước đã thực hiện thành công kỹ thuật cấy ghép nguyên bào sợi trong điều trị tổn thương bỏng. Ðây là một thành công lớn, có kỹ thuật đẳng cấp quốc tế mà các nhà khoa học Việt Nam đã đạt được sau một thời gian dài mày mò nghiên cứu.

Tại Việt Nam, từ trước đến nay, chúng ta hoàn toàn chưa có trị liệu tế bào trong nghiên cứu và điều trị vết thương mặc dù nhu cầu điều trị vết thương rất lớn.

(Ảnh: TTO)

Chỉ tính riêng tại Viện Bỏng quốc gia hằng năm đã có khoảng 3.000 bệnh nhân bỏng đến điều trị. Ðó là chưa kể tới các loại vết thương vốn đang có chiều hướng tăng lên theo sự phát triển chung của xã hội như vết thương do tia xạ, vết thương mạn tính do tiểu đường, loét điểm tỳ trong các bệnh lý thần kinh, loét do bệnh lý mạch ngoại vi...

Việc điều trị cũng gặp không ít khó khăn vì tuy có một số bài thuốc kích thích liền vết thương nhưng nói chung còn nghèo nàn và chủ yếu dùng thô theo kinh nghiệm dân gian.

TS Ðinh Văn Hân - người trực tiếp thực hiện đề tài cho biết: Nguyên bào sợi là tế bào quan trọng nhất trong giai đoạn liền vết thương. Cấy ghép nguyên bào sợi thực chất là quá trình sản xuất ra các tấm nguyên bào sợi trong phòng thí nghiệm và ghép lên vết thương.

Nuôi cấy nguyên bào sợi được nhiều nghiên cứu xác nhận là rất tốt trong việc thúc đẩy quá trình liền vết thương. Nguyên bào sợi có mặt trong tất cả các mô của cơ thể. Tại mô da, nguyên bào sợi nằm ở lớp trung bì, là một loại tế bào chủ yếu trong giai đoạn tăng sinh của quá trình liền vết thương.

Chúng tạo ra protein đệm tạo nên sự bền vững và toàn vẹn của mô khi vết thương đã liền. Ðồng thời nguyên bào sợi là nguồn cung cấp quan trọng một số yếu tố tăng trưởng kích thích liền vết thương như TGF-b, PDGF, KGF.

Nguyên bào sợi cũng tạo ra các thành phần đệm gian bào làm nền cho quá trình biểu mô hóa và cung cấp các sợi laminin, decorin, elastin, fibronetin để tế bào biểu mô bám và trượt trên đó giúp tăng nhanh quá trình biểu mô hóa che phủ vết thương.

Hơn nữa, ở vết thương mạn tính đang liền, hoặc các vết thương cấp tính được đóng kín kỳ hai, firoblat chuyển dạng thành miofroblat trong mô hạt của vết thương hở tạo nên sự co rút và liền vết thương nhanh hơn... Do vậy, các nhà khoa học Việt Nam đã sử dụng công nghệ nuôi cấy nguyên bào sợi để làm tăng mật độ tế bào này tại vết thương làm cho quá trình liền vết thương nhanh hơn.

Quá trình nuôi cấy nguyên bào sợi được các nhà khoa học thực hiện hoàn toàn trên la-bô trong phòng thí nghiệm giống như nuôi cấy tế bào nói chung. Ðầu tiên các nhà khoa học lấy khoảng 1,5 - 2cm2 da của người bệnh rồi đưa mẩu da đó vào môi trường nuôi cấy có các hóa chất chuyên biệt làm cho nguyên bào sợi tách khỏi da.

Sau khi loại bỏ được những tế bào không cần thiết có lẫn trong quần thể nguyên bào sợi và tạo ra được một mẫu nguyên bào sợi đồng nhất rồi nhân rộng đến khi đạt số lượng cũng như các tiêu chuẩn quy định, những nguyên bào sợi này sẽ được đưa lên một giá đỡ.

Giá đỡ được sử dụng phải bảo đảm một số tiêu chuẩn nhất định như không độc với các tế bào, có khả năng bám dính vào vết thương, ngăn cản không để vi khuẩn xâm nhập, không làm mất nước, mất dịch ở vết thương và có khả năng trao đổi không khí giữa trong và ngoài vết thương. Khi các tế bào ổn định, nghĩa là tế bào vẫn có khả năng nhân lên trên giá đỡ, vẫn có khả năng tiết ra những chất kích thích liền vết thương và đủ chất lượng như những tế bào bình thường trong cơ thể người bệnh sẽ được ghép lên bề mặt vết thương.

Trên thực tế, so với những phương pháp điều trị truyền thống đang được ứng dụng tại Việt Nam, phương pháp điều trị bằng cấy ghép nguyên bào sợi sẽ khiến cho vết thương nhanh liền hơn, chất lượng sẹo tốt hơn.

Chính vì vậy, ghép nguyên bào sợi được chỉ định khá rộng rãi ở bệnh nhân bỏng. Có thể ghép nguyên bào sợi lên vùng bỏng làm kích thích biểu mô hóa, ghép nguyên bào sợi lên vùng lấy da để vùng này liền nhanh hơn và tăng khả năng tái sử dụng diện tích da lành đó trong điều trị bỏng diện rộng.

Với bỏng sâu, ghép nguyên bào sợi được kết hợp ghép da mắt lưới với tỷ lệ giãn rộng lớn để điều trị bỏng sâu diện rộng nhằm tạo ra khả năng bám dính của da ghép tốt hơn và kích thích tế bào sừng phát triển từ mảnh da ghép nhanh hơn.

Theo Nhân dân, Tuổi trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video