Kháng thể người bảo vệ chuột khỏi bị cúm gia cầm

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế gồm các nhà nghiên cứu thuộc Viện Dị ứng và bệnh Nhiễm (NIAID) trực thuộc Viện Y tế Quốc gia của Mỹ cho biết: Họ đã sử dụng kháng thể lấy từ tế bào miễn dịch của những người còn sống sót gần đây sau khi bị cúm gia cầm để điều trị thành công chuột bị nhiễm virus H5N1 cũng như bảo vệ chúng khỏi loại virus gây chết người này.

Bác sĩ Anthony S. Fauci, Viện trưởng NIAID cho biết: “Khả năng virus H5N1 hoặc một loại virus cúm khác làm bùng phát đại dịch cúm toàn cầu do con người không có miễn dịch tự nhiên để chống lại, đây là mối lo lớn của cộng đồng y tế toàn cầu. Nếu cuộc nghiên cứu ban đầu này thành công được xác nhận thêm các cuộc thử nghiệm lâm sàng và ở phòng thí nghiệm khác nữa, thì các kháng thể đơn dòng của người có thể là sự can thiệp về mặt y tế chữa trị và dự phòng quan trọng đối với cúm gây đại dịch.”

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí PLoS Medicine là sự cộng tác của 3 nhóm nghiên cứu gồm: Bác sĩ Kanta Subbarao và các cộng sự thuộc NIAID, bác sĩ Antonio Lanzavecchia và các đồng nghiệp thuộc Viện Nghiên cứu sinh y học ở Bellinzona, Thụy Sĩ, và Tiến sĩ Cameron Simmons thuộc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng của Trường đại học Oxford tại Bệnh viện Nhiệt đới ở thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Bốn người Việt Nam trưởng thành được chẩn đoán nhiễm cúm H5N1 trong khoảng thời gian từ tháng 1/2004 và tháng 2/2005 đã đồng ý cho máu sau khi họ hồi phục. Tại Thụy Sĩ, bác sĩ Lanzavecchia đã chiết các bạch cầu tạo kháng thể, còn được gọi là tế bào nhớ B, từ các mẫu máu từ Việt Nam này và được xử lý theo một quy trình do ông phát triển để chúng liên tục tạo ra một số lượng lớn kháng thể nhanh chóng.

Tiếp theo, các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của bác sĩ Subbarao sàng lọc 11.000 mẫu chứa kháng thể do nhóm ở Thụy Sĩ cung cấp và đã tìm ra được một số kháng thể có thể làm trung tính virus H5N1. Dựa trên kết quả này, bác sĩ Lanzavecchia thanh lọc các tế bào nhớ B và cuối cùng tạo ra 4 kháng thể đơn dòng (mAbs) tiết ra các loại kháng thể đặc trưng có thể làm trung tính H5N1.

Bác sĩ Subbarao và các cộng sự tiến hành thử nghiệm xem mAbs H5N1 của người có thể bảo vệ chuột khỏi bị nhiễm H5N1 thể nặng hay không. Nhiều nhóm chuột, mỗi nhóm 5 con chuột được nhận một trong hai loại mAbs H5N1 của người với 3 liều lượng khác nhau hoặc được nhận mAbs của người chống lại bệnh bạch hầu hoặc bệnh than. Một ngày sau, những con chuột này được cho hít liều virus H5N1 ở mức độ có thể gây thiệt mạng.

Một kháng thể đơn dòng ở chuột (Ảnh: ventanamed)

Tất cả chuột trong nhóm đối chứng - nhóm chuột chỉ được nhận mAbs không chứa H5N1 – nhanh chóng phát bệnh và chết trong vòng 1 tuần lễ. Trái lại, tất cả chuột được nhận loại mAbs H5N1 thứ nhất được thử nghiệm, bất kể liều lượng, đều còn sống, trong khi có 80% chuột được nhận loại mAbs H5N1 thứ hai với liều cao nhất còn sống. Các thử nghiệm bổ sung cho thấy chuột được nhận một trong hai kháng thể đơn dòng có tác dụng phòng bệnh đều có lượng virus trong phổi thấp hơn từ 10 đến 100 lần so với nhóm chuột đối chứng, và có rất ít hay không có virus nào di chuyển ra ngoài phổi.

Các nhà nghiên cứu cũng đã thử nghiệm xem khả năng chữa trị của mAbs H5N1 của người. Họ cho biết ý tưởng sử dụng máu của những người còn sống sau khi bị cúm đã có từ lâu. Chẳng hạn như, trong đại dịch cúm năm 1918-1919, các bác sĩ đã lấy huyết thanh của bệnh nhân hồi phục sau khi bị cúm và tiêm vào những nạn nhân cúm mới. Kết quả nghiên cứu về lịch sử gần đây cho thấy những lần truyền máu đó, ngay cả khi thực hiện vào giai đoạn đầu của căn bệnh, đôi khi cũng cứu được mạng sống của người bệnh.

Trong cuộc nghiên cứu của mình, bác sĩ Subbarao và cá đồng nghiệp đã làm cho các nhóm chuột bị nhiễm một liều virus H5N1 có thể gây thiệt mạng. Chủng virus này đã hoành hành lưu hành ở Việt Nam năm 2004. Tổng cộng có 60 con chuột được cho dùng một trong bốn loại kháng thể đơn dòng H5N1 trong vòng 24, 48 hoặc 72 giờ sau khi bị nhiễm cúm, trong khi nhóm chuột đối chứng chỉ được nhận mAbs không chứa virus cúm. Tất cả chuột trong nhóm đối chứng đều chết trong vòng 10 ngày sau khi nhiễm bệnh, trong khi có 58 trong số 60 con chuột được điều trị còn sống. Tất cả 4 mAbs H5N1 đều có hiệu quả bảo vệ rất mạnh. Bác sĩ Subbarao cho biết điều ngạc nhiên nhất là tỉ lệ sống sót ở mức thật tuyệt vời ngay cả khi việc điều trị bị trì hoãn sau 3 ngày.

Qua những kết quả đáng khích lệ này, các nhà nghiên cứu của NIAID đã tiếp tục thử nghiệm xem mAbs H5N1 có thể dùng để điều trị chuột bị nhiễm một chủng virus H5N1 khác có liên quan. Mặc dù 4 mAbs được sử dụng trong cuộc thử nghiệm đều bắt nguồn từ virus H5N1 của năm 2004, nhưng 3 trong số 4 mAbs này đã có thể bảo vệ chuột không bị chết khi cho chúng nhận ba mAbs này trong vòng 24 giờ sau khi chúng bị nhiễm virus H5N1 của năm 2005.

Các nhà nghiên cứu cho biết điều này gợi ý rằng mAbs của người có thể có tác dụng bảo vệ trên diện rộng để chống lại các virus H5N1 biến dị - đây là một tính chất mà các nhà nghiên cứu đều khao khát trong bất kỳ liệu pháp nào nhắm vào virus cúm luôn phát triển biến đổi.

Bác sĩ Subbarao cho biết: Nhìn chung những phát hiện từ sự cộng tác quốc tế này rất khích lệ. Chúng cho thấy,  kháng thể đơn dòng đủ của người với khả năng làm trung tính virus cúm H5N1 có thể được tạo ra một cách nhanh chóng từ máu của bệnh nhân đang dưỡng bệnh, và các kháng thể đơn dòng này có tác dụng tốt cả trong việc điều trị nhiễm H5N1 lẫn ngăn chặn tử vong do bị nhiễm virus này ở chuột thí nghiệm.

Các tác giả dự dịnh sẽ tiếp tục cuộc nghiên cứu bằng cách tăng việc sản xuất mAbs H5N1 và nếu kỹ thuật này được chứng minh là an toàn và hiệu quả trong các thử nghiệm bổ sung trên động vật thì họ sẽ cân nhắc sử dụng những mAbs của người trong các thử nghiệm lâm sàng trên người.

Hồng Lĩnh

Theo NIH, Sở KH & CN Đồng Nai
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video