Thứ mà anh Chuôm mò được lại chỉ là những chiếc đầu lâu, những khúc xương nằm rải rác trong các khoang tàu. Có đến cả chục mạng người xấu số nằm trong cái “tàu mộ” đó.
» Những "dị nhân nông dân" săn báu vật dưới đáy sông Hồng
Thợ lặn dọc sông Hồng từ Thái Bình, Nam Định lên tận Việt Trì, không ai không biết đến Hà Công Chuôm và có lẽ cũng không ai hiểu luồng lạch sông Hồng bằng anh.
Sông Hồng là đường thủy lâu đời của kinh thành Thăng Long. Tàu thuyền thông thương giữa Hà Nội với biển Đông, đi các nước đều phải qua sông Hồng. Hàng ngàn năm qua, dòng sông Hồng hung dữ này đã “nuốt” không biết bao nhiêu tàu thuyền, sà lan vào cái bụng khổng lồ của nó.
Tàu săn tìm, trục vớt tàu đắm trên sông Hồng. |
Lượng cát, phù sa bồi lấp hàng năm rất lớn, nên lòng sông Hồng mỗi ngày một dâng cao. Chính vì thế, những con tàu chìm dưới đáy sông, chỉ vài chục năm sau, đã bị đất cát vùi lấp sâu vài mét. Những con tàu chìm từ nhiều thế kỷ trước, sẽ nằm sâu dưới lòng đất cả chục mét, thậm chí vài chục mét. Thực tế, con sông Hồng đang như cái máng nước treo trên đầu cư dân sống trong đê. Theo các nhà khoa học, mặt đáy sông Hồng hiện cao hơn mặt sân ga Hàng Cỏ tới 13 mét!
Theo Hà Công Chuôm, với những con tàu nằm dưới lòng đất chừng 5 mét, thì việc trục vớt để lấy gỗ, sắt còn có chút lời lãi, chứ nằm sâu dưới lòng đất trên 10 mét, thì không có hy vọng lãi, nếu con tàu không chứa nhiều đồ vật quý giá hoặc bản thân nó được làm từ kim loại có giá trị như đồng, nhôm.
Người thợ lặn phải dùng thuốn chọc xuống lòng đất dưới đáy sông hàng chục mét để truy tìm tàu đắm. |
Hơn 10 năm trời lặn ngụp dưới đáy sông, đào bới lòng sông tìm tàu thuyền, Hà Công Chuôm phát hiện ra rằng, phía dưới lớp phù sa, lớp cát dưới đáy sông còn có một “dòng sông bùn” luôn luôn dịch chuyển dưới lòng đất. Dòng sông bùn này có thể khiến những vật thể lớn như con tàu trôi dưới lòng đất. Chính vì thế, nếu nhận được thông tin có con tàu đắm ở khu vực này hàng trăm năm trước, bao giờ anh Chuôm cũng tìm kiếm phía hạ nguồn, cách nơi tàu đắm thậm chí hàng ngàn mét.
Trong câu chuyện giữa đêm khuya, bên ngọn đèn dầu giữa sông Hồng mênh mang sóng nước, anh Chuôm kể cho tôi nghe về một cái “vụng nuốt tàu” rất khủng khiếp, có tên là Tần Vường.
Hà Công Chuôm không tiết lộ rõ vụng Tần Vường ở địa điểm cụ thể nào, nhưng nó nằm bên bờ hữu của sông Hồng, đoạn chảy qua Nam Định và Thái Bình. Đoạn này dòng sông lượn cong, tạo thành một cái rốn xoáy khổng lồ. Dòng nước xoáy hung dữ đã khoét lòng sông sâu tới 70 mét nước.
Vụng Tần Vường nằm ở khu vực nào trên đoạn sông Hồng chảy qua địa phận Thái Bình và Nam Định? |
Đã có hàng trăm con tàu bị vụng xoáy này “nuốt” mất trong cả ngàn năm qua. Bụng nó như bụng con rồng khổng lồ, nuốt tất cả những thứ gì đi qua nó, từ tàu bè, gỗ lạt, xác chết… Không phải là những con tàu lớn, hiện đại, thì không dám đi qua vụng nước này. Vậy nên, dân chài ven sông Hồng đoạn chảy qua Thái Bình và Nam Định mới có câu: “Trăm cái bể phải nể vụng Tần Vường”.
Vụng Tần Vường quái dị là thế, nhưng đã nhiều lần anh Chuôm và đội thợ của mình lặn xuống đáy vụng kiếm ăn và cũng đã không ít lần suýt mất mạng.
Hồi năm kia, sau khi đeo mũ bảo hiểm, ngậm ống thở, anh Chuôm nhảy xuống vụng nước này xem có con tàu nào nằm ở địa điểm thích hợp với việc trục vớt không. Anh phát hiện có tới cả chục con tàu nằm phơi xác cạnh nhau trong vụng nước. Hầu hết các con tàu đều cắm một nửa dưới lòng đất, một nửa trồi lên khỏi đáy sông.
Hút cát để trục vớt tàu đắm dưới lòng sông. |
Khi đang lần mò vào trong bụng một con tàu bị lật úp, đột nhiên, dòng nước đẩy một khúc gỗ đè lên dây bảo hiểm và dây hơi. Cảm giác lúc đó thật kinh khủng, tưởng chừng như phổi sắp nổ tung, hai mắt như sắp tuột khỏi hốc mắt. Trong hoàn cảnh sống còn đó, anh Chuôm đã bình tĩnh dùng hết sức bình sinh nâng khúc gỗ để dây hơi thông, cứu mạng mình trong gang tấc.
Một lần khác, cũng chính anh Chuôm liều mạng nhảy xuống vụng Tần Vường, thổi lớp bùn cát mỏng rồi chui vào bụng một con tàu cổ khổng lồ, những mong tìm được đồ vật quý giá. Cái khoang bụng của con tàu đó rộng như một ngôi nhà. Nhưng thứ mà anh Chuôm mò được lại chỉ là những chiếc đầu lâu, những khúc xương nằm rải rác trong các khoang tàu. Có đến cả chục mạng người xấu số nằm trong cái “tàu mộ” đó.
Chuyện gặp những xác chết, những bộ xương trong khoang những con tàu đắm dưới lòng sông Hồng đã quá quen thuộc với những người săn tàu đắm dưới lòng sông, nhưng vụ gặp cả chục xác chết phơi xương trong một con tàu cổ dưới vụng Tần Vường thì anh Chuôm mới gặp lần đầu và khiến anh khiếp vía.
Phương tiện để săn tìm tàu đắm dưới lòng sông của anh Chuôm chỉ là chiếc mặt nạ gắn dây hơi này. |
Điều lạ lùng, khó hiểu là con tàu đó đã chìm cả trăm năm nay (với anh Chuôm, chỉ cần nhìn qua chiếc tàu là biết tuổi), song không hiểu sao xương cốt những thủy thủ kia vẫn còn nguyên vẹn. Hoảng quá, nhóm thợ lặn của anh Chuôm phải làm một mâm lễ, rồi thắp mấy nén hương khấn vái để các cụ tha mạng, vì đã vô tình xúc phạm đến nơi yên nghỉ của các cụ.
Anh Chuôm bảo: “Sau vụ làm lễ khấn vái các cụ trong con tàu cổ, nhóm lặn của chúng tôi lập tức gặp may mắn, đó là tìm thấy con tàu cổ ở Hưng Yên. Mặc dù con tàu bị Nhà nước thu hồi, song cũng được đền bù xứng đáng với công sức bỏ ra và tiền của đầu tư cho việc trục vớt”. Những người sống nhờ sông nước đều có suy nghĩ mê tín như vậy!
Theo lời anh Chuôm, con tàu cổ đó không phải là thứ đầu tiên anh nộp cho nhà nước. Anh đã nộp nhiều hiện vật cổ quý giá cho các địa phương, mà tiêu biểu nhất là 2 khẩu pháo cổ tuyệt đẹp, hiện vẫn được trưng bày tại Nhà văn hóa xã Thiện Phiến (Phù Cừ - Hưng Yên). Hồi anh mang nộp hai khẩu pháo này, chính quyền đã tặng cho anh một triệu đồng.
Với những thiết bị lặn thô sơ, anh Chuôm không thể trục vớt được tàu thuyền, đồ cổ dưới vụng Tần Vường. |
Tôi hỏi anh Chuôm: “Nếu cái vụng nước khủng khiếp kia nuốt nhiều con tàu cổ, thì chắc chắn rất nhiều đồ cổ, tài sản có giá trị vẫn còn ở dưới đó?”. Anh Chuôm bảo: “Tôi là người đầu tiên dám lặn xuống vụng nước đó để tìm đồ cổ, vật quý. Tuy nhiên, thiết bị lặn thô sơ, nên chỉ tiếp cận được ở những chỗ nông, nước chảy nhẹ, chưa thể lặn xuống được chỗ có nhiều tàu đắm. Tôi tin chắc trong bụng của vụng nước ấy là một kho báu khổng lồ, mà giá trị của nó không thể lường được”.
“Nếu có một bộ đồ lặn hiện đại, với phương tiện trục vớt chuyên nghiệp, tôi tin rằng sẽ lôi được những con tàu quý hơn cả con tàu cổ vớt được ở Hưng Yên” – Anh Chuôm mơ ước như vậy.
Còn tiếp…