Lâu nay ta thường hiểu kiểm toán là hoạt động kiểm tra đặc biệt nhằm xác minh tính trung thực và hợp lý của các tài liệu, số liệu kế toán, báo cáo tài chính của các tổ chức, doanh nghiệp. Do vậy, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi biết tin Việt Nam đề xuất kiểm toán nguồn nước sông Mê Kông.
Vậy kiểm toán nguồn nước là gì? Kiểm toán nước sông Mê Kông được thực hiện như thế nào?
Trước hết, kiểm toán nước là hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán môi trường. Từ giữa tháng Sáu vừa qua, Kiểm toán Nhà nước cho biết đang cùng với một số nước thực hiện việc kiểm toán nguồn nước sông Mê Kông để có những kiến nghị về đảm bảo chất lượng nguồn nước, tránh tác động tiêu cực đến an ninh nguồn nước, an sinh xã hội. Việt Nam nằm ở cuối dòng Mê Kông, nên khi các đập thuỷ điện được xây dựng trên dòng sông này (hiện có 20 đập thủy điện) có tác động lớn đến chúng ta, gây thiếu hụt nguồn nước, cùng với nước biển dâng cao gây xâm nhập mặn và ảnh hưởng đến an ninh lương thực, cuộc sống của người dân.
Hoạt động kiểm toán nguồn nước sông Mê Kông được thực hiện chi tiết như thế nào chưa có nhiều thông tin, tuy nhiên, chúng tôi xin cung cấp dưới đây các thông tin cơ bản về hoạt động kiểm toán nguồn nước được tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu nước ngoài đáng tin cậy.
Mực nước sông Mê Kông thấp nhất trong vòng 100 năm qua. (Ảnh: NatGeo).
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) định nghĩa kiểm toán nước là 'một nghiên cứu có hệ thống về tình trạng hiện tại và xu hướng trong cả cung và cầu nước, đặc biệt tập trung vào các vấn đề liên quan đến quản trị, thể chế, tài chính, khả năng tiếp cận nước trong một lãnh thổ nhất định. Kết quả của kiểm toán nước được đặt trong khuôn khổ rộng hơn, của các tổ chức, tài chính, và nền kinh tế chính trị tổng thể. Mặc dù kiểm toán nước có thể khác nhau tùy theo từng trường hợp, ở dạng khác nhau, kiểm toán nước có nghĩa là để hiểu về tài nguyên nước và tăng cường sử dụng và quản lý tài nguyên bền vững trong các thế hệ tiếp theo.
Còn theo cuốn sách Water Auditing and Water Conservation (Kiểm toán và bảo tồn nước) năm 2004 do Hiệp hội Nước quốc tế (IWA) phát hành, kiểm toán nước là một phương pháp định lượng lưu lượng và chất lượng nước trong các hệ thống đơn giản hoặc phức tạp, nhằm giảm lượng nước sử dụng nhờ việc hạn chế sử dụng nước không cần thiết.
Nhận thức về tầm quan trọng của nước đối với cuộc sống của chúng ta ngày càng tăng trên toàn cầu. Ở nhiều nơi người dân khó tiếp cận với nước uống, thường do bị ô nhiễm. Kiểm toán nước là một cơ chế bảo tồn nước, sẽ rất có ý nghĩa trong tương lai khi nhu cầu về nước tăng lên.
Vậy làm thế nào để kiểm toán được nước, chẳng hạn như kiểm toán nước sông Mê Kông?
Phương pháp cơ bản của bất kỳ kiểm toán nước nào cũng đều liên quan đến việc đánh giá nguồn nước, tính toán mức tiêu thụ, xác định mức tổn thất và đo lường các chỉ số hiệu suất.
Đó là một quá trình có hệ thống để đạt được sự cân bằng nước một cách khách quan bằng cách đo lưu lượng nước từ vị trí rút nước hoặc xử lý qua hệ thống phân phối nước và vào các khu vực được sử dụng và cuối cùng được thải ra.
Phương pháp tiếp cận kiểm toán nước như sau:
- a. Xác định sản lượng an toàn lâu dài của nước có sẵn từ sông;
- b. Ước tính kịch bản nhu cầu nước hợp lý từ người tiêu dùng;
- c. Chuẩn bị các tiêu chí để bảo tồn, phân bổ công bằng và sử dụng nước bền vững;
- d. Thực hiện các cuộc điều tra liên quan đến cơ sở hạ tầng nước;
- e. Xây dựng các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm được khuyến nghị; và
- f. Xây dựng các biện pháp giảm bớt những khó khăn ngắn hạn, như hạn hán và lũ lụt.
Mục tiêu rộng lớn của kiểm toán nước là:
- 1. Đánh giá hiện trạng tài nguyên nước, bằng cách kiểm tra xu hướng lượng mưa được ghi nhận, xả sông và mực nước ngầm.
- 2. Đánh giá xu hướng nhu cầu liên quan đến nước, xem xét sử dụng nước sinh hoạt, công nghiệp và môi trường, nhưng tập trung vào sử dụng nước nông nghiệp vì phần lớn nước sử dụng cho nông nghiệp và sự phức tạp của tình hình năng suất sử dụng nước trong nông nghiệp .
- 3. Nghiên cứu mô hình các quyền lợi liên quan đến nước của các nhóm xã hội, đặc biệt có tính đến các vấn đề bình đẳng giới và xã hội liên quan đến việc tiếp cận nguồn nước cho cả mục đích sản xuất và hộ gia đình.
- 4. Đánh giá chức năng của các chính sách và thể chế liên quan đến nước ở các cấp hành chính khác nhau, bao gồm xem xét luật pháp về nước và lập bản đồ có liên quan đến nước.
- 5. Cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách một bộ các lựa chọn chính sách toàn diện để tăng khả năng đối phó với tình trạng khan hiếm nước và cải thiện quản lý nước nói chung và năng suất nước của sản xuất nông nghiệp nói riêng.
Việc kiểm toán nước sông không như bạn hình dung là đo lượng nước sông đầu nguồn hay hạ lưu bao nhiêu, mà dựa trên xử lý nhiều cơ sở dữ liệu khác nhau trong một quãng thời gian, trong đó bao gồm lượng mưa, lưu lượng nước sông và mực nước ngầm, thông tin cơ sở bao gồm bản đồ khí tượng thủy văn và địa lý, bản đồ đất, sử dụng đất và bản đồ che phủ đất, bản đồ thủy lợi, nông nghiệp… Nghiên cứu để thiết lập xu hướng khí tượng, mực nước sông và nước ngầm. Nó sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc về nguồn nước sẵn có phụ thuộc vào sự biến đổi của khí hậu như thế nào.
Kiểm toán nước cũng cần phải nghiên cứu việc sử dụng nước cho lưu vực sông, bao gồm tất cả các lĩnh vực sử dụng nước, nhưng tập trung giải quyết việc đánh giá sử dụng nước nông nghiệp. Đánh giá sử dụng nước nông nghiệp sẽ liên quan đến các phân tích về cung và cầu nước trên các quy mô không gian khác nhau, có tính đến cả hệ thống sản xuất chăn nuôi và tưới tiêu.
Lập bản đồ thể chế là một trong những nội dung của hoạt động kiểm toán nước. Nó nhằm mục đích tìm hiểu động lực của việc ra quyết định có ảnh hưởng đến quản lý nước nói chung và sự khan hiếm nước nói riêng. Nó sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc về mức độ công bằng của cấp nước và thông tin về hiệu quả của pháp luật và chính sách liên quan đến nước. Sự sẵn có của tài liệu này sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc về lý do cho tình trạng quản lý nước hiện có và gợi ý các chính sách quản lý nước hiệu quả hơn nếu cần.