Hôm nay 21/3, Google Doodle lần đầu tiên trong lịch sử sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) để kỷ niệm 334 năm ngày sinh của nhà soạn nhạc, nhạc sĩ vĩ đại người Đức Johann Sebastian Bach (21/3/1685 - 28/7/1750).
Hình ảnh Doodle trên trang chủ Google hôm nay 21/3. (Nguồn: Google Doodle).
Vậy Johann Sebastian Bach là ai? Và trải nghiệm tương tác người dùng có sự hỗ trợ của AI mà "gã khổng lồ" Google lần đầu tiên trong lịch sử 21 năm hình thành của mình sử dụng như thế nào? Mời bạn theo dõi.
1. Johann Sebastian Bach: Nhà soạn nhạc vĩ đại bậc nhất trong lịch sử
Để nói về tài năng âm nhạc thể hiện chiều sâu trí tuệ và thấm đẫm nét nghệ thuật thời kỳ Baroque (1600 – 1750), chúng ta chỉ có thể gói gọn trong nhận định: Âm nhạc của Johann Sebastian Bach được cả Mozart, Beethoven, Chopin, Robert Schumann, và Felix Mendelssohn ngưỡng mộ tuyệt đối!
Johann Sebastian Bach - Nhà soạn nhạc vĩ đại bậc nhất trong lịch sử.
Quả thực, sự tinh tế trong từng nốt nhạc và phím đàn của Johann Sebastian Bach đã dệt nên những tác phẩm tuyệt vời, giúp cho nền âm nhạc Đức thế kỷ 17,18 trở nên vang danh khắp Âu châu.
Cho đến nay, rất nhiều tác phẩm của ông vẫn được công chúng yêu nhạc ưa thích, phải kể đến như "Brandeburg Concertos", "The Well-Tempered Calvier", Mass cung Si thứ... Hay những bản cantata, hợp xướng, những tác phẩm dành cho đàn organ, cũng như nhạc giao hưởng và thính phòng...
2. "Gã khổng lồ công nghệ" Google phá cách, lần đầu tiên sử dụng AI trong Doodle
Trên Google Doodle, "gã khổng lồ" chia sẻ, để vinh danh và tưởng nhớ đến tài năng cũng như di sản âm nhạc đồ sộ của thiên tài âm nhạc Johann Sebastian Bach, Google Doodle đã hợp tác với các nhóm Google Magenta và Google PAIR để thiết kế một trải nghiệm tương tác âm nhạc hoàn toàn mới có sự trợ giúp của Trí tuệ nhân tạo (AI).
Trải nghiệm mới này biến người dùng trở thành "nhà soạn nhạc", khuyến khích người dùng tự sáng tác một giai điệu ngẫu hứng. Bởi, chỉ cần vài cú click chuột, Doodle sẽ sử dụng học máy (machine-learning của AI) để hòa âm giai điệu tùy chỉnh vào phong cách âm nhạc đặc trưng của Johann Sebastian Bach.
Người dùng sẽ trở thành "nhà soạn nhạc" cho riêng mình.
Google Doodle cho biết, học máy (machine-learning) là một lĩnh vực của Trí tuệ nhân tạo, liên quan đến việc nghiên cứu và xây dựng các kỹ thuật cho phép các hệ thống "tự học" từ dữ liệu để giải quyết vấn đề cụ thể.
Nói cách khác, học máy là quá trình dạy máy tính đưa ra câu trả lời của riêng mình bằng cách đưa ra rất nhiều ví dụ, thay vì đưa ra một bộ quy tắc để tuân theo như được thực hiện trong lập trình máy tính truyền thống trước đây.
- Mô hình được sử dụng trong Doodle hôm nay 21/3 được phát triển bởi nhóm Google Magenta, những người đã phát triển máy học Coconet: Một mô hình linh hoạt có thể được sử dụng trong một loạt các tác vụ âm nhạc, ví dụ như hòa âm giai điệu hoặc sáng tác từ đầu.
Cụ thể, Coconet được đào tạo về 306 bản hòa âm hợp xướng của Johann Sebastian Bach. Những bản hợp xướng của Bach luôn có bốn giọng hát, mỗi giọng mang một giai điệu du dương riêng, đồng thời tạo ra sự tiến triển hài hòa phong phú khi được chơi cùng nhau.
- Tiếp đến, nhóm Google PAIR đã sử dụng TensorFlow.js để cho phép máy học hoàn toàn diễn ra trong trình duyệt web (so với việc nó sử dụng hàng tấn máy chủ, như cách học máy truyền thống).
Trong trường hợp máy tính hoặc thiết bị của người dùng không đủ nhanh để chạy tương tác Doodle hôm nay khi sử dụng TensorFlow.js, Doodle cũng được cung cấp với Bộ xử lý TPU mới của Google, một cách xử lý nhanh các tác vụ máy học trong trung tâm dữ liệu khác của Doodle.
Có thể thấy, "gã khổng lồ công nghệ" Google hiện nay rất chú trọng đến trải nghiệm của người dùng. Google không đơn giản chỉ là cái máy search thông tin, hãng còn liên tục đổi mới công nghệ để mang đến cho người dùng cảm nhận được sự thú vị trong thế giới IT.
Trong tương lai, chắc chắn Google sẽ thiết kế những Doodle thú vị hơn nữa để người dùng vừa có dịp nhớ đến sự kiện/nhân vật nổi bật, vừa có thể tương tác và trải nghiệm thú vị.