Lễ Vu Lan báo hiếu và ý nghĩa bông hồng cài ngực áo

Qua hàng nghìn năm, Vu Lan báo hiếu luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam chúng ta.

Lễ Vu Lan là gì?

Lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích về lòng hiếu thảo của ông Mục Liên.

Vốn là một tu sĩ khác đạo, Mục Liên đã quy y và trở thành một đệ tử lớn của Phật, và được liệt vào hạng thần thông đệ nhất trong hàng đệ tử của Phật.


Sự tích lễ Vu LanTượng Đức Phật ở chùa Bái Đính.

Sau khi đã chứng quả A La Hán, Mục Liên nhớ về mẫu thân, bèn dùng huệ nhãn nhìn xuống cõi khổ và thấy mẹ mình bị đọa vào kiếp ngạ quỷ (quỷ đói) nơi địa ngục A Tì.

Nhìn mẹ thân hình tiều tụy, đói không được ăn, khát không được uống, Mục Liên vận dụng phép thần thông đến với mẹ và dâng cơm cho mẹ ăn. Nhưng ác nghiệt làm sao, những hạt cơm cứ gần tới miệng mẹ thì bỗng hóa thành lửa. Không có cách nào khác, Mục Liên trở về bạch chuyện Ðức Phật, xin được chỉ dạy cách cứu mẹ.

Phật cho Mục Liên biết vì nghiệp chướng của các kiếp trước mà mẹ ông phải sinh vào nơi ác đạo làm loài ngạ quỷ. Phật dạy, một mình Mục Liên thì vô phương cứu mẹ mà phải nhờ đến uy đức của chúng tăng khắp nơi, đồng tâm hiệp ý cầu xin cứu rỗi mới được.

Mục Liên phải thành kính đi rước chư tăng khắp mười phương về, đặc biệt là các vị đã đạt được sáu phép thần thông, nhờ công đức cầu nguyện của các vị này thì vong linh mẹ Mục Liên mới thoát khỏi khổ đạo.

Phật lại dạy Mục Liên sắm đủ các món thức thức thời trân, hương dâu đèn nến, giường chõng chiếu gối, chăn màn quần áo, thau rửa mặt, khăn lau tay... dâng cúng các vị chư tăng. Vào đúng dịp Rằm tháng 7, lập trai đàn để cầu nguyện. Trước khi thọ thực, các vị chư tăng sẽ chú tâm cầu nguyện cho cha mẹ và ông bà bảy đời của thí chủ được siêu thoát...

Mục Liên làm đúng như lời Phật dạy. Quả nhiên vong mẫu của ông được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ mà sinh về cảnh giới lành.

Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.

Bông hồng cài trên ngực áo

Trong xã hội hiện nay, không ít người nghĩ rằng chỉ cần chu cấp cho cha mẹ đầy đủ về tiền tài vật chất là đã làm tròn đạo hiếu của người con. Nhưng, họ không biết rằng với cha mẹ già thì tiền tài, vật chất đôi khi không quan trọng bằng những chính lời hỏi thăm, chia sẻ, động viên đến từ những đứa con của mình.

Một chuyên gia tâm lý đã nói rằng, với người già, đời sống tinh thần đôi khi còn quan trọng hơn cả đời sống vật chất. Thế nên, đừng để lối sống thực dụng xen vào tình cảm gia đình, đặc biệt là với chính cha mẹ mình. Đừng để những việc làm mang ý nghĩa thiêng liêng như tình cảm cha mẹ và con cái trở thành những việc làm mang tình hình thức, làm lấy lệ cho xong.

Trong mùa Lễ Vu Lan này, bạn hãy dành tình cảm chân thành của mình để đối đãi, để chăm sóc cho cha mẹ. Tuy nhiên, bên cạnh việc chăm sóc cho cha mẹ, cũng cần làm những việc khiến cha mẹ thật sự vui vẻ, an hưởng tuổi già. Một món quà sức khỏe sẽ là hành động vừa ý nghĩa vừa thiết thực đối với đấng sinh thành.

Những ngày tháng Bảy âm lịch, nhà lại nhà, trên khắp nước Việt mình đều thành kính bước vào mùa Vu Lan, mùa báo hiếu.

Tới ngày Rằm tháng Bảy, các Bà, các Mẹ, các Chị dù bận đến đâu cũng cẩn trọng sắp mâm cỗ đầy, thành kính dâng tặng tổ tiên, ban cho chúng sinh và chuyển đi thông điệp nhân văn của cuộc sống: Hãy nghĩ về Mẹ - Cha, mở lòng với đồng loại để thương yêu nhau nhiều hơn.


Đóa hồng đỏ cài trên ngực áo.

Những ngày này, bạn sẽ không lạ khi chứng kiến những hình ảnh đầy xúc động: dù già hay trẻ, trai hay gái dự lễ Vu Lan đều thành kính và ngập trong cảm xúc khi đón nhận một bông hoa hồng cài trang trọng lên ngực áo.

Bông hồng cài áo và mùa Vu Lan báo hiếu

Nghi thức Bông hồng cài áo theo Giáo sư -Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh – Giám đốc TT Nghiên cứu, bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam xuất phát từ áng văn viết về Mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh được viết trong những năm 1960.

Trong một chuyến công tác tại Nhật Bản, Thiền sư rất lạ khi thấy người Nhật thành kính gài tặng ông một bông hoa trắng lên ngực áo. Sau khi tìm hiểu và biết được ý nghĩa cao đẹp của việc này, ông đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật và viết ấn phẩm "Bông Hồng Cài Áo" vào năm 1962.

Bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Việc nhớ về bâc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến bậc sinh thành. Với ý nghĩa đó, nhiều người Việt mình đến ngày Vu Lan đều cài một bông hoa màu hồng lên áo, ấy là biểu tượng của việc còn Mẹ - Cha. Ai đã mất mẹ thì cài hoa trắng.

Ý nghĩa bông hoa cài trên ngực áo

Người có hoa hồng hẳn sẽ tự hào vô cùng vì trên đời này còn có Mẹ - Cha. Ai mang hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở, rằng mình đã lỡ mất những gì quý giá nhất, từ đó mà hành động sao cho phải với lương tâm. Vu Lan là dịp đặc biệt để giới trẻ sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn.

Những người đến chùa đều không quên dừng lại để cài lên ngực một bông hồng, để nhắc nhớ về công ơn của cha mẹ. Bông hồng màu đỏ cho những ai may mắn còn cha mẹ trên đời, bông hồng màu hồng cho những người còn mẹ mất cha và bông hồng trắng cho những người kém may mắn khi không còn cha và mẹ trên đời...

Bông hồng là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực hoa hồng cao quý là tình cảm đẹp nhất, kính trọng nhất đối với bậc sinh thành. Mang ý nghĩa sâu sắc đó, nhiều người Việt Nam khi đến ngày Vu Lan đều cài một bông hồng trên áo.

Một mùa Lễ Vu Lan nữa lại sắp đến. Đây là dịp để mỗi người sống nên chọn lối sống chậm lại, biết yêu thương, chia sẻ nhiều hơn nữa khi cuộc sống ngày càng trở nên xô bồ hơn, khắc nghiệt hơn và hối hả hơn. Là dịp để mỗi người con chúng ta hướng lòng thành kính đến các đấng sinh thành, những người đã có sinh dưỡng mỗi người con chúng ta.

Có khi nào bạn tự hỏi rằng: Đã bao lâu rồi mình không nói những lời yêu thương đến cha mẹ? Đã bao lầu rồi bạn không dành thời gian bên gia đình hay tặng cha mẹ một món quà ý nghĩa nào đó? Vậy đừng bỏ lỡ cơ hội tuyệt vời này, hãy hành động thiết thực nhất, chân thành nhất để bày tỏ lòng tri ân tới đấng sinh thành nhé!

Lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ

Vu Lan là lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo. Lễ này trùng với ngày Rằm tháng Bảy xá tội vong nhân của phong tục Á Đông.


Mùa báo hiếu tháng 7 Âm lịch cũng là dịp để ta sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn.

Tục truyền, vào ngày này, mọi tù nhân ở địa ngục có cơ hội được xá tội, được thoát sanh về cảnh giới an lành. Theo tín ngưỡng dân gian, rằm tháng Bảy là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân nên có lễ cúng cô hồn (vào buổi chiều) cho các vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa, không có thân nhân trên dương thế thờ cúng.

Nhất là với người trẻ chúng ta khi nhớ về Mẹ - Cha, bậc sinh thành yêu quý mà trong nhịp thở gấp gáp của cuộc sống hiện đại, ai đó đã có phút sao nhãng, lãng quên. Mùa báo hiếu tháng 7 Âm lịch cũng là dịp để ta sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn, gửi gắm tình cảm và hành động thực sự tới những số phận nghèo khó, không may mắn xung quanh mình.

Ta hành động để thấy lòng nhẹ bẫng, vui vẻ và thanh thản, hành động để thấu được triết lí giản đơn mà sâu xa của Phật giáo ấy là "Từ, bi, hỷ, xả" hay "vô ngã, vị tha", cũng là tiếp bước dòng chủ lưu của đạo lý dân tộc: "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây".

Bạn có thể chọn một bông hoa cài lên ngực áo hoặc không trong ngày lễ Vu Lan, nhưng nghĩ về ngày này với ý nghĩa nhân bản, âu cũng là cách để bạn tri ân cuộc sống tươi đẹp này.

Tại sao các vị tu sĩ lại cài bông hồng vàng?

Các vị tu sĩ đã lìa bỏ đời sống thế tục để sống cuộc sống của người xuất gia. Họ mượn thân tứ đại do cha mẹ sinh ra để "trên cầu giải thoát, dưới cứu độ chúng sinh". Cứu cánh đạt đến sự giác ngộ là cách báo ân tuyệt diệu nhất vì báo hiếu cho cha mẹ hiện đời và cha mẹ ở nhiều đời khác.

Thay vì cài bông hồng đỏ hoặc trắng để chỉ cho cha mẹ hiện tiền, việc đó rất là đúng, hợp với trời đất nhưng người tu sĩ còn có cha mẹ rộng hơn, lớn hơn, cao cả hơn. Đó là tất cả chúng sinh, vì thế cài bông hồng vàng để tỏ rõ lý tưởng cao quý này.

Theo đạo Phật, màu vàng là màu của giải thoát như Vô thượng phước điền y, màu của Đất. Trên đất, chúng ta có thể dẫm, đạp, cày xới, khạc nhổ hay làm bất cứ gì...đất vẫn trơ trơ, vì đất là sức sống, là nhẫn nhục, cưu mang tất cả, chấp nhận tất cả. Vì coi tất cả chúng sinh là cha mẹ, là quyến thuộc, họ hàng và quan trọng nhất là những vị Phật tương lai.

Màu vàng còn là màu của tuệ giác, tượng trưng cho sự buông bỏ, xả ly, không chấp thủ và thành tựu giải thoát.

Do vậy, dù hòa mình trong ngày Vu Lan thắng hội nhưng nguời tu sĩ cũng muốn mượn màu sắc của hoa màu vàng để nói lên tinh thần đúng nghĩa của mùa Vu Lan là sự giải thoát.

Những điều ý nghĩa nên làm trong lễ Vu Lan báo hiếu

Tại Việt Nam, lễ hội Vu Lan được tổ chức vào ngày 15/7 Âm lịch hàng năm. Theo đó, Phật tử thường đến chùa cầu kinh, cầu nguyện với mong muốn những người đã khuất và chúng sinh được yên nghỉ và ấm cúng, còn với những người đang sống một sức khỏe tốt để ở mãi bên con cháu.

Ngoài ra, mọi nhà đều chuẩn bị mâm cơm tươm tất cho ngày lễ Vu Lan để dâng lên gia tiên, cửa Phật và cúng phóng sinh cho các linh hồn để báo hiếu và tỏ lòng thành. Ăn chay cũng là một cách cầu nguyện và tích đức. Với những người còn cha mẹ có thể dành tặng những lời chúc và nhiều món quà ý nghĩa. Trong ngày lễ Vu Lan, những người con xa quê đều cố gắng thu xếp thời gian để về tụ họp với gia đình.

Ý nghĩa thờ cúng trong lễ Vu lan

Lễ Vu Lan trùng hợp với ngày Rằm tháng 7 Xá tội vong nhân theo phong tục Á Đông. Theo tín ngưỡng dân gian, đây là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân nên có lễ cúng Cô Hồn cho các vong linh không nhà cửa, không nơi nương tựa, không có thân nhân trên dương thế; đây cũng là ngày mọi tù nhân ở Địa ngục có cơ hội được xá tội, thoát sanh. Vì thế, ngoài mâm cúng ông bà, tổ tiên trong nhà thì vào lễ Vu Lan mọi người còn cúng thêm mâm ngoài trời gọi là cúng chúng sinh dành cho những cô hồn, ma đói không nơi nương tựa.

Đối với Phật giáo, trong dịp lễ Vu lan, phật tử thường cầu siêu cho người đã khuất, làm phúc bố thí, phóng sinh để tích phước cầu an, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc tăng thọ, hóa giải nghiệp chướng...

Ngoài ra, trong dịp lễ Vu Lan, khi đến chùa các phật tử sẽ được cài lên áo một bông hoa hồng: màu đỏ tượng trưng cho người còn mẹ và màu trắng cho ai đã mất mẹ. Với những ai may mắn được cài bông hồng đỏ trên ngực áo thì được nhắc nhở hãy cố gắng hết lòng vâng lời, hiếu kính, lễ phép với cha mẹ. Còn người cài hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở không bao giờ quên ơn cha mẹ, đồng thời giữ nền nếp gia phong, anh em hòa thuận.

Ngày nay, Đại lễ Vu Lan đã được hiểu với ý nghĩa rộng hơn: Kêu gọi ý thức xã hội về tinh thần đền ơn đáp nghĩa của Đức Phật, khuyến khích con người tri ân, đền ơn bốn nguồn ân đức, đó là: Tri ân và đền ơn cha mẹ sinh thành; thầy cô giáo những người dạy dỗ, truyền đạt tri thức cho con người; tri ân các bậc tiền bối đã dựng xây đất nước, các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh mang lại độc lập, chủ quyền thiêng liêng cho toàn đất nước và cuối cùng là tri ân chính đồng loại con người.

Trong thời đại ngày nay, tinh thần đạo hiếu cần được đề cao, biểu dương mạnh mẽ hơn để truyền thống đó luôn được bồi đắp, ngày càng trở thành sức mạnh văn hóa của dân tộc hôm nay và mãi mãi về sau.

Những điều cần tránh trong ngày lễ Vu Lan

Không nên sát sinh

Theo quan niệm dân gian, sát sinh trong ngày Rằm tháng 7 Âm lịch sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và khiến các thành viên gặp những điều xui rủi như làm ăn thất bại, đau ốm… Thay vì sát sinh trong ngày Lễ Vu Lan, bạn nên ăn chay, phóng sinh và làm việc thiện để tích đức cho bản thân và gia đình.

Không nên khai trương cửa hàng, tổ chức cưới hỏi

Tháng 7 là tháng cô hồn, là tháng mà các vong linh dưới địa ngục lang thang ở cõi trần. Chính vì vậy, đây được coi là tháng không may mắn. Do đó, trong tháng 7 Âm lịch nên tránh khai trương cửa hàng và tổ chức cưới hỏi.

Tránh làm những việc xấu

Theo đạo Phật, những người làm việc xấu sẽ thường gặp quả báo. Vào ngày Vu Lan, bạn không nên gây gổ, cãi nhau hay đánh nhau với người khác. Đặc biệt nên làm những điều thiện, giúp đỡ mọi người, thành tâm cầu nguyện những điều may mắn, an lành sẽ đến với gia đình.

Lễ Vu Lan diễn ra vào ngày mùng 15/7 âm lịch hàng năm. Lễ Vu Lan năm 2024 theo Dương lịch diễn ra vào ngày 18 tháng 8, rơi vào ngày Chủ Nhật.

Cập nhật: 19/08/2024 Sưu Tầm
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video