Loài vật chuyển giới sau khi va chạm

Tiếp xúc cơ thể có thể khiến một con ốc sên biển đực nhanh chóng chuyển giới thành con cái.

Nhiều động vật thay đổi giới tính ở một thời điểm sống, thông thường sau khi đạt tới kích thước nhất định. Loài ốc sên biển (slipper limpet) ra đời với giới tính đực và trở thành con cái khi trưởng thành.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ chỉ ra khi hai con đực ở gần nhau và va chạm vào nhau, con lớn sẽ chuyển giới sớm hơn con nhỏ. Tiếp xúc thân thể chính là tác nhân khiến nó chuyển giới. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Biological Bulletin vào đầu tháng 12.

Ốc sên biển nhiệt đới có tên khoa học là Crepidula cf. marginalis, sống dưới những vỉa đá ở vùng liên triều dọc bờ biển. Thức ăn của chúng là sinh vật phù du và các hạt trong nước. Loài vật này tập trung thành từng nhóm. Mỗi nhóm gồm con cái lớn và một hoặc hai con đực nhỏ hơn bám trên lớp vỏ con cái.


Những con ốc sên biển bám trên vỉa đá. (Ảnh: Rachel Collin).

Ốc sên biển đực có dương vật tương đối lớn, đôi khi dài bằng cả cơ thể, nhô ra phía bên phải đầu. Bộ phận kéo dài này sẽ vươn ra và luồn xuống dưới lớp vỏ con cái để chạm đến cơ quan sinh dục. Khi một con ốc sên biển thay đổi giới tính, dương vật dần co lại, sau đó biến mất cùng với sự phát triển của cơ quan sinh dục nữ. Các nhà khoa học cho rằng kiểu thay đổi giới tính này rất có lợi bởi con cái lớn có thể sản sinh nhiều trứng hơn trong khi con đực nhỏ vẫn tạo ra lượng tinh trùng dồi dào, hoạt động đòi hỏi ít năng lượng so với đẻ trứng.

Trong thí nghiệm, hai con đực khác biệt về kích thước được đặt trong những chiếc cốc nhỏ chứa nước biển. Ở một số cốc, chúng được chạm vào nhau, trong khi với những cốc còn lại, một tấm lưới ngăn cách giữa chúng nhưng vẫn cho phép nước chảy qua. Kết quả là con ốc sên biển lớn phát triển nhanh hơn và biến đổi thành con cái sớm hơn sau khi trải qua tiếp xúc.

Ốc sên biển là động vật chỉ cư trú ở một chỗ và có tầm nhìn kém. Do đó, các nhà khoa học cho rằng hành vi của chúng chịu ảnh hưởng của những chất hóa học trong nước. Nhưng nghiên cứu này cho thấy chúng có phản ứng mạnh mẽ hơn với hoạt động tương tác hay tín hiệu cơ thể.

"Tôi rất bất ngờ trước phát hiện này. Tôi từng nghĩ ốc sên biển chuyển giới dựa vào tín hiệu trong nước. Nhưng nghiên cứu tiết lộ chúng thực sự có phản ứng phức tạp khi tiếp xúc với nhau", Rachel Collin, nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Nhiệt đới Smithsonia, Mỹ, đồng tác giả nghiên cứu cho biết.

Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video