Mãn kinh ở tuổi 30

Mới 32 tuổi nhưng Nelly, một phụ nữ Pháp, đã bị mất kinh. Các bác sĩ cho biết cô bị mãn kinh sớm. Những phụ nữ mắc bệnh này rất ít khả năng sinh con.

Mãn kinh thường xảy ra ở phụ nữ tuổi gần 50, đó là giai đoạn chức năng các tuyến nội tiết nói chung và tuyến sinh dục nói riêng suy giảm. Hàm lượng hoóc môn sinh dục trong cơ thể tụt hẳn, gây hội chứng mãn kinh, biểu hiện ở rất nhiều cơ quan như thần kinh, tim mạch, cơ xương khớp, da, tóc, sinh dục… Trong thực tế các chuyên gia còn gặp các trường hợp mãn kinh rất sớm ở tuổi 30, như trường hợp của Nelly.

Nelly tâm sự: “Năm 18 tuổi, tôi bắt đầu uống thuốc điều hòa kinh nguyệt, đến tháng Giêng này thì ngưng. Vì chưa thấy dấu hiệu kinh nguyệt xuất hiện trở lại nên tôi đi xét nghiệm xem có thai không. Kết quả âm tính. Tôi đi khám chuyên khoa, được chữa trị chứng mất kinh nhưng không có kết quả. Sau cùng tôi đi thử máu, kết quả xét nghiệm cho biết là tôi bị mãn kinh sớm”.

Theo Hiệp hội Nghiên cứu về mãn kinh ở Pháp, có đến 1-2% phụ nữ ở độ tuổi sinh nở bị mãn kinh hay có nguy cơ mãn kinh trước tuổi 40, một số trường hợp trước tuổi 30. Nguyên nhân bắt nguồn từ di truyền hoặc đột biến nhiễm sắc thể. Bệnh tự miễn hoặc liệu pháp hóa học cũng có thể gây ra tình trạng mãn kinh sớm.

Việc chấp nhận bệnh này ở những người trẻ rất khó khăn vì cuộc sống của họ còn lại quá dài. Họ thường cảm thấy bất công. “Tại sao lại là tôi mà không phải ai khác bị như thế? Tôi không đáng bị như vậy" - đó là lời của Marie, một phụ nữ 33 tuổi đã mãn kinh 5 năm nay. Tuy nhiên, khi biết mình bị đột biến gene, cô cảm thấy khuây khỏa hơn và quyết định chống lại “điều bất công” mà tạo hóa đã dành cho mình bằng cách sống như một người trẻ tuổi thật sự dù đã mãn kinh. Bác sĩ đã chỉ định phương pháp hoóc môn thay thế (bổ sung lượng hoóc môn sinh dục thiếu hụt). Điều này rất cần thiết để kích thích chức năng buồng trứng.

Khả năng dẫn đến việc thụ thai tự nhiên ở người mãn kinh sớm là 3-5%. Những trường hợp không thành công thì phải xin trứng. Noãn bào của người cho được thụ tinh với tinh trùng của người chồng rồi cấy vào tử cung của bệnh nhân. Họ sẽ mang thai bình thường.

Tại Pháp, sự khó khăn trong tìm người cho trứng khiến thời gian chờ đôi khi kéo dài rất lâu, trung bình từ 3 đến 5 năm. Số người cần nhận trứng đăng ký ngày càng dài ra nhưng số người cho rất ít và điều này khiến nhiều cặp vợ chồng nản lòng. Một số người nhờ đến sự giúp đỡ của các bác sĩ Pháp đang làm việc tại nước khác như Bỉ, Tây Ban Nha, Hy Lạp với chi phí 5.000 euro.

Ngoài chứng vô sinh, những người mãn kinh sớm còn có nhiều nguy cơ mắc một số bệnh như loãng xương và tim mạch. Phụ nữ mãn kinh ở tuổi 30 có thể mắc bệnh loãng xương trước tuổi 40. Bệnh tim mạch cũng là mối đe dọa lớn, nhất là xơ vữa động mạch. Bệnh xuất hiện sau 30 tuổi, nếu không được chẩn đoán điều trị sẽ rất nguy hiểm khi xuất hiện biến chứng.

Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video