"Ngã ngửa" về chuyện phụ nữ bất chấp để làm trắng da từ cổ chí kim

Nhiều người tự hỏi phụ nữ ngày nay có nên đi tắm trắng với mong muốn sở hữu làn da trắng?

Từ ngàn xưa, làn da trắng sáng không tì vết luôn là chuẩn mực, thước đo vẻ đẹp của phái yếu, đặc biệt là ở phương Đông. Trong suy nghĩ nhiều người, da trắng là biểu hiện của tầng lớp quý tộc cao sang, vậy nên da trắng trở thành xu hướng theo đuổi của mọi phụ nữ.

Vậy đâu là sự thật đằng sau quan niệm truyền thống này? Liệu việc rất nhiều người tìm mọi cách, bất chấp sự nguy hại đến sức khỏe để có làn da trắng có phải là điều tốt. Dưới lăng kính khoa học khám phá, chúng ta sẽ có được câu trả lời.

Da trắng - chuẩn mực muôn đời của cái đẹp

Có một sự thật cần thừa nhận: xuyên suốt lịch sử phát triển hàng ngàn năm, làn da trắng luôn được coi là chuẩn mực đầu tiên của một người con gái đẹp ở phương Đông lẫn phương Tây.


Ngay cả những Nữ hoàng Ai Cập sống ở sa mạc...

Nếu như ở Trung Quốc, Nhật Bản hay Việt Nam xưa, phụ nữ có da trắng luôn được đánh giá cao thì ở châu Âu (đặc biệt thời kỳ Phục Hưng), làn da trắng nhợt chính là biểu tượng của người phụ nữ quyến rũ, quý tộc.

Thậm chí, phụ nữ xưa “cuồng” da trắng tới mức, họ sẵn sàng cắt máu, trang điểm bằng mọi cách để có được điều mong muốn, thậm chí da càng trắng bệch càng tốt.


...tới tứ đại mỹ nhân Trung Hoa...


...những Geisha nổi tiếng Nhật Bản...


...hay Nữ hoàng Anh Victoria cũng đều "ưa chuộng" một làn da trắng.

Dưới lăng kính khoa học, hiện tượng trên được chứng minh như một tất yếu. Sau nhiều năm nghiên cứu, các chuyên gia thuộc ĐH Toronto (Canada) đã tìm ra bản chất khoa học đằng sau chuẩn mực này.

Cụ thể, từ xa xưa, những người phụ nữ da trắng thường là do ít phải lao động dưới trời nắng. Họ thuộc về những gia đình quý tộc, giàu có và thông minh.

Đồng thời, nghiên cứu tâm lý học chỉ ra rằng màu da trắng, nhạt gợi nên vẻ trong sáng, yếu đuối và muốn được chở che trong mắt phái mạnh.


Phụ nữ có làn da trắng là biểu tượng cho sự trong sáng, thuần khiết và quyến rũ.

Chính vì vậy, theo thời gian, hầu như phụ nữ thế hệ nào cũng ao ước có một làn da trắng như trứng gà bóc. Và ngược lại, phái mạnh cũng rất ưa thích những phụ nữ như vậy. Chuẩn mực cái đẹp cũng từ đó mà hình thành.

Làm tất cả để có da trắng - có nên hay không?

Từ xa xưa, các nữ quý tộc đã có những phương pháp làm trắng da từ thiên nhiên. Phụ nữ Nhật Bản và Trung Quốc thường sử dụng bột ngọc trai, bột từ vỏ sò giã mịn để phủ lên da mình. Thậm chí, có tài liệu cho rằng có người đã từng nuốt thứ bột ấy với hi vọng làn da mình sẽ trắng trẻo mãi mãi.


Hộp đựng phấn bột vỏ sò dùng để làm trắng của các phụ nữ Ai Cập xưa


Những dụng cụ trang điểm thường thấy của thiếu nữ phương Đông xưa.

Còn ở phương Tây, phụ nữ đã biết dùng phấn bột làm trắng từ thời Hy Lạp cổ đại. Song, ít ai biết rằng, thành phần chính của phấn bột ấy là chì - một hóa chất có thể gây chết người.

Người xưa cho rằng, bôi phấn ấy lên mặt da sẽ trắng xanh xao, là biểu hiện của sức khỏe tốt và vẻ đẹp quý tộc.


Đồ trang điểm của phụ nữ thời Hy Lạp cổ đại.

Theo thời gian, những công thức xà phòng làm trắng được người phương Tây chế ra, sử dụng phổ biến như hỗn hợp chanh, bồ công anh nấu với asen và thủy ngân.

Tất nhiên, phụ nữ thời đó không hề biết rằng thủy ngân và asen vô cùng độc hại với cơ thể con người. Lịch sử ghi nhận, hàng trăm phụ nữ đã tử vong vì sử dụng loại xà phòng chết người này.


Hình ảnh một người phụ nữ phương Tây xưa đang... tắm trắng.

Tới giữa thế kỷ XX, những loại xà phòng mới ra đời với thành phần gồm axit cacboxylic, phenol-hydroquinone và… vẫn là thủy ngân.

Điều này chứng tỏ, ham muốn có một làn da trắng đã vượt lên tất cả, khiến không ít phụ nữ mù quáng và tự làm hại bản thân.


Những quảng cáo xà phòng làm trắng như thế này đã làm hại không ít chị em vì thiếu hiểu biết

Cho tới gần đây, nhiều chị em tìm đến phương pháp tắm trắng để đạt được vẻ đẹp mong ước. Theo các chuyên gia thẩm mỹ, cách này về bản chất là tốt khi thông qua việc tắm bằng các loại dưỡng chất như collagen, thảo dược, cám gạo… da được nuôi từ sâu bên trong, trở nên khỏe và sáng màu hơn.

Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi thời gian dài để đem lại kết quả. Do vậy, không ít người đã tìm cách làm trắng khi tắm với… thuốc tẩy. Những hóa chất này sẽ lột tẩy lớp sừng ngoài cùng, bao gồm cả phần bảo vệ da.


Tắm trắng bản chất là tốt, nhưng nếu sử dụng hóa chất tẩy da để làm trắng thì sẽ là một thảm họa

Phần bảo vệ da này thực chất chính là các sắc tố da melanin. Chúng được sản sinh ở lớp hạ bì của da và chính là nhân tố quyết định đến da bạn trắng hay sạm màu bẩm sinh.

Nhiều người cho rằng, melanin "đáng ghét" và tìm mọi cách tiêu diệt chúng nhằm có một làn da trắng song đó là một quan niệm sai lầm. Tuy là nguyên nhân gây nên nám và da sạm màu nhưng melanin cũng đồng thời là “áo khoác” bảo vệ da tự nhiên.


Phần bảo vệ da thực chất là sắc tố da melanin

Melanin giúp bảo vệ khỏi tia cực tím có hại từ Mặt trời và các tác nhân gây hại xâm nhập cơ thể qua da. Chúng có khả năng ngăn chặn sự oxy hóa và làm giảm độ thương tổn của da khi bị các tia UV chiếu tới từ Mặt trời. Các nhà khoa học đã chứng minh, việc thiếu hụt melanin trong thời gian dài có thể gây ra ung thư da hoặc thậm chí tử vong.

Vì thế, sau khi tắm trắng bằng thuốc tẩy, melanin bảo vệ mất đi, lớp da non bên dưới lộ ra, tạo cảm giác trắng ảo cho các chị em. Trong khi đó, da của họ đã trở nên mỏng hơn, yếu hơn và rất dễ bị bắt nắng, không có khả năng chống lại các tia cực tím từ Mặt trời.

Việc lặp đi lặp lại cách làm này nhiều lần sẽ khiến da ngày một yếu và gây nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe sau này.

Ước muốn được trở nên xinh đẹp hơn với làn da trắng là khao khát chính đáng của phái đẹp. Tuy nhiên, hãy thật thông thái khi lựa chọn những cách làm trắng da để vừa có được vẻ đẹp mơ ước, vừa đảm bảo được sức khỏe của bản thân.

Cập nhật: 03/05/2017 Theo Mask, Dailymail, Wikipedia, Stylecaster, Tele
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video