Người mở đường cho học thuyết vô khuẩn

Ignaz Philipp Semmelweis chào đời năm 1818, tại Ofen, một thị trấn nhỏ bên bờ sông Danube trong một gia đình tiểu thương. Năm 1846, ông được bổ nhiệm đến làm việc tại một bệnh viện trong thành phố Vienna. Tại đây, Semmelweis luôn lo lắng vì tỷ lệ tử vong của chứng sốt hậu sản quá cao và đã để tâm theo dõi hiện tượng này.

Nhiễm khuẩn lan tràn

Năm 325, Hoàng đế Constantinus nghĩ rằng, đạo Cơ đốc là một tôn giáo mang tính nhân văn nhất thời đại của mình và đã thuyết phục được Hội đồng Giám mục Nicaea xây dựng cơ sở chăm sóc người bệnh cho từng thành phố. Rất có thể đây là những bệnh viện đầu tiên trên thế giới nhưng theo tiêu chuẩn hiện nay thì quá lạc hậu. Ở các bệnh viện này, bệnh nhân được xếp vào các buồng bệnh một cách ngẫu nhiên, cho dù họ có mắc bệnh nhiễm trùng hay không. Các bệnh dễ lây lan xâm nhập vào buồng bệnh và lây nhiễm cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh khác. Đối với các bệnh nhân phẫu thuật thì ít khi tránh khỏi biến chứng nhiễm trùng vết mổ. Việc khử trùng tay và dụng cụ hầu như chưa đặt ra.

Cho đến những năm 1800, tình trạng ô nhiễm trong bệnh viện không cải thiện được bao nhiêu. Hệ thống nước, hệ thống xử lý chất thải rất thô sơ, lạc hậu. Phẫu thuật viên thường lau chùi dụng cụ trên chính quần áo của mình. Hiếm khi vải trải giường cho người bệnh mới được thay. Nhiễm khuẩn lan tràn dữ dội. Đặc biệt, tại các khoa sản, nhiễm khuẩn trong thời kỳ sinh nở là mối hiểm họa cho người mẹ. Lúc bấy giờ, chỉ có một vài người có tầm nhìn xa trông rộng, ý thức được mối tương quan giữa nhiễm bẩn và bệnh tật.

Vào những năm cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, tại nhiều bệnh viện ở châu Âu, tỷ lệ tử vong của sản phụ thường rất cao, có khi đến 1/3 số trường hợp vào sinh đẻ. Họ bước chân vào phòng sinh với tâm trạng lo âu, hồi hộp và nghĩ đến cái chết luôn chờ đợi ám ảnh. Lúc bấy giờ, nhiều bệnh lây nhiễm đã được xác định nhưng phải đến khi ông Semmelweis mới chứng minh được sốt hậu sản là do lây nhiễm.

Ði tìm chân lý

Alexandre Gordon là người đầu tiên xác định được yếu tố nguy cơ gây nên chứng sốt hậu sản. Qua kết quả khảo sát của chính mình về vụ dịch sốt hậu sản tại Aberdeen, Scotland vào năm 1793, ông đã công bố chuyên khảo Bàn về vụ dịch sốt hậu sản tại Aberdeen, trong đó ông xác nhận thầy thuốc là người lây truyền sự nhiễm trùng cho các sản phụ.

Tiếp theo, Oliver Wendell Holmes, trong một tiểu luận lịch sử Sự lây truyền của sốt hậu sản công bố vào năm 1843 cũng trình bày một quan niệm tương tự. Ông khẳng định, bệnh sẽ lây truyền từ người này sang người khác và thầy thuốc tình cờ đóng vai trò quyết định. Tiểu luận của Holmes không gây một tiếng vang nào cho các thầy thuốc sản khoa thời bấy giờ.

Tuy nhiên, Ignaz Philipp Semmelweis, thầy thuốc sản khoa người Hungary đã khẳng định, sốt hậu sản do lây nhiễm. Ông chứng minh được rằng, tỷ lệ tử vong của người mẹ sẽ giảm đi đáng kể nếu như thầy thuốc ngâm tay vào dung dịch calcium chloride trước khi đỡ đẻ. Qua theo dõi sát sao, ông ghi nhận sự khác biệt giữa hai tỷ lệ tử vong của hai khoa sản trong bệnh viện. Khoa thứ nhất được dùng để hướng dẫn sinh viên. Những sinh viên này từ phòng phẫu tích tử thi không rửa tay đi thẳng vào phòng đẻ để thực tập. Tỷ lệ tử vong ở đây rất cao từ 12 - 30%. Trong khi đó, khoa thứ hai chỉ dùng để hướng dẫn nữ hộ sinh, họ không tham gia phẫu tích tử thi thì tỷ lệ sản phụ chết hoặc sốt hậu sản và tử vong chỉ 3%. Ông phỏng đoán rằng, nguyên nhân của sốt hậu sản là do bàn tay chứa tác nhân gây bệnh do không rửa tay của các bác sĩ và sinh viên y khoa.

Đến năm 1847, một người bạn của Semmelweis, bác sĩ Kollestschka tử vong do nhiễm trùng huyết vì một sinh viên vụng về chích vào đầu ngón tay ông trong khi mổ xác một phụ nữ chết do sốt hậu sản. Từ bản tường trình về trường hợp tử vong này, một ý tưởng bất chợt lóe lên trong trí óc ông. Thật bất ngờ đến kỳ lạ: dấu hiệu của bác sĩ Kollestschka giống như dấu hiệu của sản phụ tử vong do sốt hậu sản. Semmelweis nhận thức được rằng, sốt hậu sản là một bệnh nhiễm khuẩn huyết và từ phòng phẫu tích tử thi, chính thầy thuốc và sinh viên đã lây truyền bệnh này cho người mẹ. Như vậy, tất cả đã rõ ràng: những bàn tay nhiễm bẩn gây nên chứng sốt hậu sản.

Cuộc đời thăng trầm

Tháng 5/1847, Semmelweis đưa ra một biện pháp tích cực: “Bất cứ ai khám sản phụ, trước khi vào phòng đẻ, phải rửa tay bằng xà phòng rồi ngâm tay vào dung dịch chloride”. Tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng giảm đi nhanh chóng. Tháng 4, khi chưa áp dụng biện pháp này, tỷ lệ tử vong là 18%. Tháng 7, sau khi áp dụng, tỷ lệ tử vong chỉ còn 1%.


Semmelweis đã yêu cầu các bác sĩ phải rửa tay trước khi
thăm khám cho sản phụ. (Ảnh: Corbis)

Tuy nhiên, tại thời điểm đó, nhiều người cho rằng, khuyến cáo rửa tay giữa những lần tiếp xúc với người bệnh của Semmelweis là quá nhiều và không có bác sĩ nào chấp nhận. Thậm chí, họ không thừa nhận, đôi bàn tay không rửa của họ chính là nguyên nhân gây tử vong cho sản phụ. Một số người khác thì cho rằng kết quả nghiên cứu của ông là thiếu bằng chứng khoa học. Năm 1849, ông bị sa thải khỏi bệnh viện Vience và tới làm việc ở Khoa sản phụ, Bệnh viện Pest’s St. Rochus Hospital tại Hungary. Năm 1850, ông buộc phải trở về quê hương trong đau đớn và thất vọng. 4 năm sau, ông làm việc tại Bệnh viện St. Rochus, thành phố Pest, Hungary. Tại đây, trong suốt 6 năm, Semmelweis tìm cách chứng minh chân lý học thuyết của mình.

Ý tưởng của ông chỉ được chấp nhận một cách hạn chế. Mặc dù ở các khoa phòng khác, tỷ lệ nhiễm khuẩn vẫn còn cao nhưng chứng sốt hậu sản dần dần biến mất ở những bệnh nhân của Semmelweis. Phương pháp khử trùng của ông thành công rực rỡ, ngăn chặn được chứng nhiễm trùng huyết sau sốt hậu sản. Ông không chỉ khử trùng tay của những người phục vụ mà còn khử trùng cả dụng cụ, bơm tiêm, băng gạc, thậm chí cả chăn màn, quần áo. Và tỷ lệ tử vong chỉ còn 8. Năm 1856, ông được phong hàm giáo sư tại Học viện Pest.

Cho tới năm 1860, Bệnh viện Vience vẫn coi ông ta là kẻ phản bội, mặc dù chính ông khi còn làm việc tại bệnh viện đó, là người xoá tỷ lệ tử vong do sốt cao ở trẻ sơ sinh từ 35/101 trường hợp bị tử vong.

Năm 1861, Semmelweis công bố chuyên khảo Căn nguyên, khái niệm và phòng ngừa chứng sốt hậu sản. Ở đó, các dữ liệu về căn nguyên và cách phòng ngừa chứng sốt hậu sản được trình bày cực kỳ rõ ràng. Mặc dù đây là tác phẩm kinh điển trong y học nhưng nó không gây một tiếng vang đáng kể đối với các bác sĩ sản khoa trên thế giới thời bấy giờ.

Ngày nay, ở Hungary người ta lập nên Bảo tàng Semminweis, Bệnh viện Semminweis. Tại Áo, người ta thành lập Bệnh viện sản khoa Semminweis và ông đã được ghi nhận là người mở đường cho học thuyết về vô trùng và học thuyết về nhiễm khuẩn bệnh viện.

Theo Sức khỏe Đời sống
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video