Người Tây Tạng tiến hóa để sống ở độ cao 4.000m

Phụ nữ sống trên cao nguyên Tây Tạng đã thích nghi với môi trường khan hiếm oxy trong hàng nghìn năm thông qua một số tiến hóa.

Nghiên cứu công bố trên tạp chí PNAS của Cynthia Beall, giáo sư ở Đại học Case Western Reserve hé lộ những đặc điểm thích nghi giúp phụ nữ Tây Tạng không chỉ sống sót mà còn phát triển tốt giữa môi trường khắc nghiệt ở vùng núi cao. Hít thở không khí loãng ở độ cao lớn là một thách thức sinh tồn nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy những đặc điểm sinh lý độc đáo của phụ nữ Tây Tạng đã cải thiện khả năng sinh sản của họ bất chấp nồng độ oxy thấp trong môi trường xung quanh, theo Sci Tech Daily.


Phụ nữ Tây Tạng phát triển nhiều đặc điểm thích nghi với môi trường nghèo oxy. (Ảnh: iStock)

Beall và cộng sự nghiên cứu 417 phụ nữ Tây Tạng trong độ tuổi từ 46 đến 86 sống ở độ cao 3.657 - 4.267 m trên mực nước biển ở Upper Mustang, Nepal tại rìa phía nam cao nguyên Tây Tạng. Họ thu thập dữ liệu về lịch sử sinh sản của những người phụ nữ, đo lường sinh lý, lấy mẫu ADN và đánh giá yếu tố xã hội. Họ muốn tìm hiểu cách các đặc điểm cung cấp oxy đối mặt với chứng giảm oxy máu ở độ cao lớn ảnh hưởng tới số ca sinh con. Đây là thước đo chủ chốt khả năng tiến hóa tốt.

Các nhà nghiên cứu phát hiện phần lớn trẻ em có một loạt đặc điểm độc đáo về máu và tim giúp cơ thể vận chuyển oxy. Những phụ nữ sinh nhiều con nhất có lượng huyết sắc tố (phân tử vận chuyển oxy), gần với mức trung bình của mẫu vật, nhưng độ bão hòa oxy cao hơn nhiều, cho phép vận chuyển oxy hiệu quả hơn tới tế bào mà không làm tăng độ nhớt của máu.

"Đây là trường hợp chọn lọc tự nhiên đang diễn ra. Những người phụ nữ Tây Tạng tiến hóa theo cách cân bằng nhu cầu oxy của cơ thể mà không khiến tim hoạt động quá tải", Beall nhận xét.

Nhóm nghiên cứu liên ngành của Beall bao gồm Brian Hoit và Kingman Strohl ở Trường Y Case Western Reserve và nhiều nhà khoa học quốc tế khác, tiến hành khảo sát thực địa năm 2019. Họ tích cực làm việc với cộng đồng địa phương ở vùng Himalaya thuộc Nepal, thuê phụ nữ bản xứ làm trợ lý nghiên cứu và cộng tác cùng nhiều lãnh đạo dân cư.

Một đặc điểm di truyền mà họ nghiên cứu nhiều khả năng có nguồn gốc từ người Denisovan sống ở Siberia cách đây khoảng 50.000 năm. Hậu duệ của người Denisovan sau đó di cư tới cao nguyên Tây Tạng. Đặc điểm này là một biến thể của gene EPAS1 chỉ có ở cộng đồng bản xứ trên cao nguyên Tây Tạng, giúp điều phối nồng độ hemoglobin. Các đặc điểm khác như tăng lưu lượng máu tới phổi và tâm thất rộng hơn cũng giúp tăng cường vận chuyển oxy. Những đặc điểm này góp phần vào tỷ lệ sinh sản thành công lớn hơn, cung cấp hiểu biết về con người thích nghi với lượng oxy thấp trong không khí và cơ thể suốt cả đời.

Cập nhật: 24/10/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video