Câu chuyện về món ẩm thực "muốn ăn là phải nhẫn tâm" của người Tây Tạng

  •   4,25
  • 19.623

Món ăn có tên gọi khá lãng mạn: "gà hong gió" - nhưng cách làm ra nó thì bị lên án kịch liệt.

Trải qua hàng ngàn năm, ẩm thực của loài người đã từng bước vững chắc tiến lên, với vô vàn món ăn cùng hương vị đa dạng. Trong đó, có những món ăn thậm chí còn được đại diện cho cả một nền văn hoá - như Ý có pasta, pizza; Nhật Bản có sushi; hay Việt Nam chúng ta là phở.

Tuy nhiên, bên cạnh đó thì cũng tồn tại rất nhiều món ăn mà bản thân cách làm đã là một sự tranh cãi. Ví dụ như niềm tự hào ẩm thực Pháp - foie gras hay gan ngỗng vỗ béo - người ta phải nuôi ngỗng bằng một quy trình tàn khốc để có được bộ gan đó. Hay món súp vi cá mập tại Trung Quốc bị cả thế giới lên án do việc săn bắt cá quá mức và vô cảm của ngư dân.

Gan ngỗng vỗ béo foie gras (trái) và gan ngỗng thường (phải).
Gan ngỗng vỗ béo foie gras (trái) và gan ngỗng thường (phải).

Hôm nay, chúng ta sẽ cùng đến với một món ăn tương tự như vậy. Đó là "gà hong gió" - hay Feng gan ji - của người Tây Tạng, Trung Quốc. Món ăn này có cái tên khá... lãng mạn, nhưng nó lại đòi hỏi đầu bếp phải có một trái tim lạnh giá.

Gà hong gió - món ăn "sắt đá" của người Tây Tạng

Vùng cao nguyên lạnh giá thuộc Tây Tạng, nơi gió lạnh dễ dàng đạt tới dưới 0 độ C, người dân có một loại đồ ăn có thể xem là "đặc sản" - món thịt phơi gió.

Về cơ bản, thịt phơi gió của người Tây Tạng cũng gần tương tự như thịt xông khói tại phương Tây: thịt được phơi ở nơi râm mát thoáng khí, để gió thổi khô tự nhiên. Đây là một cách để bảo quản thịt, dành cho vài tháng hoặc 1 năm tiếp theo.

Thịt dùng để phơi gió có thể là thịt dê, thịt bò. Nhưng riêng với thịt gà, cách chế biến được nâng lên tầm khác, khác đến... rợn người.

Gà hong gió của Tây Tạng.
Gà hong gió của Tây Tạng.

Để làm món gà hong gió, nguyên liệu cũng đơn giản thôi: một con gà sống, một con dao sắc nhọn, gia vị thảo mộc, một đầu bếp có tay nghề cao nhưng trái tim thì tàn nhẫn.

Khác với cách làm gà thông thường, con gà nếu được hong gió sẽ không được làm lông. Thay vào đó, nó sẽ bị mổ phanh khi còn đang sống, lôi toàn bộ ruột, gan, phèo, phổi lòng mề... trong tích tắc. Tiếp theo, người đầu bếp ngay lập tức xát muối, thảo mộc vào trong ruột gà, chà xát sao cho bụng gà thấm đẫm gia vị.

Toàn bộ quá trình này phải được thực hiện cực kỳ nhanh chóng nhằm giữ cho con gà sống nguyên.
Toàn bộ quá trình này phải được thực hiện cực kỳ nhanh chóng nhằm giữ cho con gà sống nguyên.

Quá trình tẩm ướp kết thúc, con gà sẽ bị vặt lông rồi treo ngược trước gió. Lúc này, nó vẫn đang sống, và rồi gió lạnh cùng sự đau đớn tận cùng sẽ gặm nhấm chúng cho đến khi những sinh vật đáng thương nói lời giã biệt cõi đời ô trọc này. Còn thân xác chúng sẽ vẫn ở đó cho đến khi khô lại và... lên đĩa.

Toàn bộ quá trình này phải được thực hiện cực kỳ nhanh chóng nhằm giữ cho con gà sống nguyên. Và bạn biết đấy, gà có thể không biết suy nghĩ, nhưng chúng cũng biết kêu khi đau. Do đó, tiếng rên rỉ than khóc của đàn gà buổi xế chiều có lẽ không quá xa lạ nếu như bạn đến Tây Tạng vào dịp cuối năm.

Tiếng rên rỉ than khóc của đàn gà buổi xế chiều có lẽ không quá xa lạ nếu như bạn đến Tây Tạng vào dịp cuối năm.
Tiếng rên rỉ than khóc của đàn gà buổi xế chiều có lẽ không quá xa lạ nếu như bạn đến Tây Tạng vào dịp cuối năm.

Theo quan niệm, việc để gà còn sống trong quá trình chế biến nhằm đảm bảo độ tươi ngon của thịt gà, giúp cân bằng âm - dương, và thậm chí có thể coi là món ăn "đại bổ".

Cách chế biến bị lên án

Trên thực tế, gà hong gió không phải chỉ có ở Tây Tạng. Xét về lịch sử, món gà hong gió này có xuất xứ từ thời Tam Quốc lận. Đây là món ăn nổi tiếng truyền thống của dân tộc Hán. Ưu điểm của món ăn này là vừa dễ bảo quản, lại không mất đi độ tươi ngon, thơm mềm, lại không có dầu mỡ, người già trẻ nhỏ đều có thể ăn được.

Tương truyền, thời kỳ Tam Quốc, Tôn Quyền vì muốn hợp với Lưu Bị khử Tào, cho em gái mình là Tôn Thượng Hương gả cho Lưu Bị. Hai vợ chồng Lưu bị sống ở trấn Thập Lý, ngoại thành Kinh Châu.

Vì Lưu Bị rất thích ăn món gà, Tôn Thượng Hương vì muốn chiều lòng chồng, liền nghĩ ra nhiều phương thức chế biến gà, trong đó có món gà hong gió này. Qua thời gian, nó dần trở nên phổ biến hơn, được nhiều người ưa chuộng.

Sở thích của Lưu Bị đã gián tiếp hình thành nên món gà truyền thống này.
Sở thích của Lưu Bị đã gián tiếp hình thành nên món gà truyền thống này. (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, cách thức chế biến này bị lên án vì quá tàn nhẫn. Tiếng rên rỉ đau đớn của gà trước khi chết khiến nhiều người chứng kiến phải che mặt đi. Một số người còn chia sẻ: "Tôi cảm thấy như những con gà đang gào thét, chất vấn loài người tại sao lại làm điều độc ác này với chúng".

Thế nên, hiện nay gần như chỉ còn người Tây Tạng là tiếp tục "làm gà" theo cách này. Ở các thành phố lớn, gà hong gió vẫn được ưa chuộng, nhưng gà sẽ được cắt tiết trước khi xử lý, giúp chúng lên đường nhanh chóng mà ít đau đớn.

Tuy vậy, nhiều người lại cho rằng cách chế biến hiện nay khiến cho món gà mất đi vị ngon vốn có. Vậy còn bạn thì sao? Bạn muốn thưởng thức món ăn này theo cách truyền thống, hay biến thể ít tàn nhẫn hơn của người hiện đại?

Cập nhật: 22/10/2021 Theo Trí Thức Trẻ
  • 4,25
  • 19.623