Nữ tiến sĩ tạo vật liệu cầm máu từ vảy cá

Phát hiện lượng lớn collagen trong vảy cá, Tiến sĩ Nguyễn Thúy Chinh tìm cách chế tạo vật liệu y sinh mới giúp tái tạo mô và chữa lành vết thương.


TS Nguyễn Thúy Chinh tại phòng thí nghiệm. (Ảnh: NX).

Vảy cá thường là phần thải ra và không có giá trị trong quá trình chế biến cá, tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Thúy Chinh (33 tuổi), nghiên cứu viên chính viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát hiện và tìm cách chiết tách collagen từ đây..

Vảy cá chép nước ngọt được chị chọn nghiên cứu thấy chứa collagen loại I cùng 18 axit amin có lợi khác nhau, mang nhiều ưu điểm vượt trội hơn collagen từ động vật có vú. Trong đó nổi bật collagen này có tính an toàn cao (không có nguy cơ dịch bệnh từ động vật có vú), không chứa chất béo và dễ dàng hấp thụ vào cơ thể người. "Đây là nguyên liệu sinh học đầy tiềm năng trong việc ứng dụng làm vật liệu y sinh có thể tái tạo mô và chữa lành vết thương", TS Chinh nói.


Collagen chiết tách từ vảy cá có nhiều ưu điểm vượt trội hơn động vật có vú.

Các kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy collagen từ vảy cá mang allopurinol giúp định hướng ứng dụng điều trị giảm axit uric trong máu, tác nhân gây bệnh gout. Ngoài ra, sợi collagen tự nhiên từ vảy cá có thể kết hợp với các hoạt chất Rb1, polyphenol trà hoa vàng để ứng dụng làm vật liệu cầm máu và điều trị vết thương.

"Hiện nay trên thế giới vật liệu collagen từ vi sợi có khả năng cầm máu được ứng dụng phổ biến, tuy nhiên giá thành còn cao so với Việt Nam. Vì vậy tôi mong muốn Việt Nam có thể chế tạo vật liệu collagen từ vảy cá cũng có tác dụng cầm máu nhưng mức giá hợp lý", TS Chinh nói. Nhóm đang nghiên cứu sâu về khả năng điều trị vết thương và tái tạo mô ở cơ thể người từ collagen vảy cá và có một đăng ký sáng chế đang trong quá trình thẩm định nội dung tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Với kết quả nghiên cứu này và những đóng góp cho khoa học, năm 2019 chị là một trong hai nhà khoa học trẻ nhận giải thưởng Quả cầu vàng trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Hà Nam, vốn có tình yêu với khoa học từ thời còn học phổ thông, chị Chinh quyết theo đuổi niềm đam mê, trở thành cô sinh viên khoa Hóa, Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi nghiên cứu viên tại viện nghiên cứu. Có những khi đứng làm việc với máy trộn nóng chảy ở 180 độ C trong thời tiết nóng bức của mùa hè để chế tạo mẫu vật liệu, hay những lần vật liệu bị hút ẩm, làm thay đổi tính chất do môi trường nóng ẩm, phải làm lại nhiều lần cũng không khiến chị nản chí. "Tôi vẫn thấy vui vì được làm công việc đúng với niềm đam mê", TS Chinh nói.

Thành quả gặt hái được từ những nỗ lực của chị là 31 bài báo quốc tế ISI, 3 bài báo được đăng trong danh mục Scopus, 69 bài báo trong nước và chủ nhiệm một đề tài quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia ( NAFOSTED).

TS Chinh cho biết, trên cơ sở tách sợi collagen từ vảy cá biến tính và các hoạt chất tự nhiên, chị sẽ tập trung chế tạo vật liệu y sinh mới sớm đưa vào ứng dụng làm vật liệu cầm máu và điều trị vết thương.

Cập nhật: 04/02/2020 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video