Phân biệt bệnh cúm gia cầm và cảm cúm do thời tiết

Tiết trời lạnh, khí hậu ẩm ướt là cơ hội để virus cúm phát triển. Vậy làm thế nào để chẩn đoán phân biệt kịp thời bệnh cúm gia cầm (cúm type A H5N1) và bệnh cảm cúm do thời tiết?

Bệnh viêm đường hô hấp cấp (cúm type A H5N1)

Liên quan đến yếu tố dịch tễ: Người bệnh sống ở vùng có nuôi, có mua bán, có ăn gia cầm bị nhiễm bệnh, những nơi có gia cầm chết hàng loạt hoặc có tiếp xúc với người bệnh đã bị nhiễm cúm gia cầm từ vùng khác đến.

Các dấu hiệu lâm sàng: Người đang khỏe mạnh, vừa tiếp xúc với các nguy cơ ở vùng dịch tễ về có triệu chứng ho, ho khan kéo dài, tức ngực dữ dội, khó thở, nghe phổi có tiếng ran ẩm, tím tái nhanh, sốt cao liên tục từ 38,5-40oC trong vòng từ một buổi (6 giờ) đến một ngày (12 giờ), thể trạng yếu, đau đầu, đau các cơ, khớp, rối loạn ý thức, không đáp ứng các yếu tố ngoại cảnh... Có thể suy hô hấp và tử vong nếu không kịp thời đưa đến cơ sở y tế có điều kiện để thở oxy, cấp cứu chống trụy tim mạch.

Các dấu hiệu chẩn đoán cận lâm sàng

(Ảnh minh họa: dailymail)

Với các trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm gia cầm bắt buộc phải chụp Xquang tim phổi. Trên phim Xquang thấy nhu mô phổi trắng đục (mất chức năng thở), tùy theo diện tích, thông số thở còn nhiều hay ít. Xét nghiệm máu thấy bạch cầu tăng cao. Ngoài ra, thực hiện xét nghiệm vi sinh để xác định chủng virus gây bệnh là điều rất cần thiết.

Phương pháp điều trị

Điều trị chống suy hô hấp bằng cách làm thông đường thở, hút sạch đờm, dãi trong họng, khí quản bệnh nhân, đặt nội khí quản, cho thở oxy, vỗ rung lồng ngực, cho bệnh nhân ho, khạc đờm ra ngoài. Điều trị chống sốc bằng cách điều chỉnh rối loạn nước và điện giải bảo đảm lượng dịch 70-80% nhu cầu sinh lý, sử dụng các loại dịch truyền: ringer lactat 5%, glucose 5%, natriclorua 0,9%... Điều trị hạ sốt, giảm bạch cầu hạt. Chăm sóc nâng cao thể trạng để hồi phục sức khỏe sau giai đoạn cấp cứu.

Đề phòng bệnh cúm gia cầm lây lan trong cộng đồng

Khi phát hiện người nhà có các triệu chứng lâm sàng trên, nên đưa đến cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh để cấp cứu, xử lý kịp thời. Bước đầu tìm nguyên nhân để phòng tránh như: xác định nơi có gà, vịt, chim chết, chôn lấp, đốt, khử khuẩn vùng gia cầm chết, cách ly đàn gia cầm nhiễm bệnh với môi trường sống của người, tuyệt đối không được ăn, đem cho, đem bán gia cầm đi nơi khác.

Tiệt trùng các vật dụng gia đình như chăn, màn, giường chiếu, áo quần của người bệnh vừa sử dụng. Vệ sinh, tiêu độc khử khuẩn môi trường sống. Hạn chế tiếp xúc, thăm nuôi, ăn uống với người bệnh; khi thăm nuôi phải mang kính, khẩu trang đặc chủng, áo quần, giày, găng tay bảo hộ do y tế cấp. Tuân theo y lệnh của thầy thuốc khi ra vào khu vực điều trị cách ly bệnh nhân.

Bệnh cảm cúm do thời tiết

Vào mùa đông có rất nhiều người mắc bệnh cảm cúm, đặc biệt là trẻ em.

Xác định bước đầu để phân biệt với mắc bệnh cúm gia cầm:

Ở vùng dịch tễ an toàn, môi trường sạch sẽ, không có gia cầm chết hàng loạt không gần nơi mua bán, chăn nuôi gia cầm, người thân không ăn thịt gia cầm, không thăm viếng người ốm đau, không tiếp xúc người lạ ở vùng khác đến.

Cảm cúm do thời tiết là do vùng cổ, ngực không được bảo vệ ấm, nhiễm lạnh đột ngột hay nhiễm nước mưa, lạnh kéo dài. Khi bị cảm cúm do thời tiết, người bệnh thấy đau rát ở cổ họng, đau sau gáy xuống bả vai, sổ nước mũi loãng liên tục, ngạt mũi khó thở, sốt nhẹ từ 38-39,5oC, ho khan, ho khúc khắc, người mệt mỏi, ăn ít... không có diễn biến rầm rộ và những yếu tố nguy kịch đến tính mạng.

Nếu được khám đầy đủ thì thấy vùng họng amiđan đỏ, sưng to, chụp Xquang tim phổi bình thường, xét nghiệm bạch cầu không tăng. Nếu được chăm sóc đầy đủ như ủ ấm, bổ sung nhiều vitamin C liều cao, cho ăn uống đầy đủ để tăng sức đề kháng, nghỉ ngơi hợp lý thì sau 3-5 ngày hết sốt, sau 7 ngày sẽ khỏi.

Đề phòng bệnh cảm cúm mùa đông: Giữ ấm cơ thể, không để bị nhiễm nước, nhiễm lạnh kéo dài; vệ sinh cá nhân, súc miệng bằng nước muối pha loãng vào buổi sáng và tối để sát khuẩn vùng hầu họng; ăn uống đầy đủ, sinh hoạt điều độ, thể thao thường xuyên để tăng sức đề kháng.

Theo Sức khỏe đời sống, Tuổi trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video