Phát hiện cá lai giữa hai loài "hóa thạch sống"

Con lai của cá tầm thìa Mỹ với cá tầm Nga có nhiều đặc điểm giống cá bố mẹ, gây bất ngờ cho các nhà nghiên cứu.

Thoạt nhìn, cá tầm thìa Mỹ và cá tầm Nga trông như hai loài cá khác biệt. Cá tầm Nga là động vật ăn thịt chuyên săn tìm loài giáp xác và cá nhỏ ở đáy sông, hồ và ven biển. Trong khi đó, cá tầm thìa Mỹ chuyên lọc nước tìm sinh vật phù du với phần mõm dài được bao phủ bởi hàng chục nghìn thụ thể cảm giác. Tuy nhiên, tinh trùng từ cá tầm thìa Mỹ và trứng của cá tầm Nga kết hợp với nhau trong phòng thí nghiệm, dẫn tới sự ra đời của một loài lai.


Con lai của hai loài cá nguy cấp. (Ảnh: New York Times).

Cá tầm và cá tầm thìa nằm trong số những loài cá nước ngọt phát triển chậm, sống lâu và lớn nhất trên Trái đất. Chúng cũng nằm trong số các loài cá nguy cấp nhất. Mất môi trường sống, đánh bắt quá mức và ô nhiễm ảnh hưởng nặng nề tới cá tầm và cá tầm thìa trong thế kỷ qua. Đó là lý do Attila Mozsár, nghiên cứu sinh ở Viện Ngư nghiệp và Thủy sản tại Hungary và cộng sự tìm cách nhân giống hai loài cá này trong môi trường nuôi nhốt.

Năm ngoái, các nhà nghiên cứu tìm cách ứng dụng mẫu sinh (gynogenesis), kiểu sinh sản đòi hỏi sự hiện diện của các tế bào tinh trùng để kích thích phát triển tế bào trứng nhưng không ảnh hưởng tới ADN. Tuy nhiên, họ rất bất ngờ khi phát hiện tinh trùng cá tầm thìa thụ tinh thành công trên trứng cá tầm. "Chúng tôi không hề có ý định tạo loài lai. Điều đó hoàn toàn nằm ngoài dự kiến", Mozsár cho biết. Hàng trăm con cá lai nở ra từ những quả trứng và một tháng sau, hơn 2/3 trong số chúng vẫn còn sống. Tính đến nay, có khoảng 100 con cá lai sống sót.

Cả cá thìa Mỹ và cá tầm Nga đều được xem như "hóa thạch sống" do có nguồn gốc cổ đại. Tổ tiên chung gần nhất của chúng sống cùng thời với khủng long. Hai loài này tiến hóa độc lập ở hai đầu hành tinh trong hơn 184 triệu năm. Điều đó khiến các nhà nghiên cứu cho rằng chúng phân hóa quá xa về mặt tiến hóa để có thể lai tạo.

Cá lai do nhóm nghiên cứu Hungary tạo ra thể hiện đặc điểm của cả hai loài. Dù tất cả đều có phần miệng và tính phàm ăn giống cá mẹ, một số có vây và mõm giống cá bố nhưng nhỏ hơn đôi chút. Sau khi tiến hành phân tích ADN 8 con cá lai, các nhà nghiên cứu tách chúng thành hai nhóm. Một nhóm có số lượng ADN từ cá mẹ nhiều gấp đôi nên trông giống cá tầm hơn cá tầm thìa. Nhóm còn lại nhận số lượng ADN gần như bằng nhau từ cá mẹ và cá bố và trông giống bản sao hoàn hảo của hai loài.

Việc lai tạo được hai loài chứng tỏ cá tầm thìa Mỹ và cá tầm Nga có nhiều điểm chung hơn so với suy đoán trước đây. Chúng đều có da trơn, ruột xoắn và bộ xương trong bằng sụn. Dù Mozsár và cộng sự dự định tiếp tục chăm sóc đàn cá lai, họ không có định tạo thêm bởi điều này sẽ đe dọa quần thể cá hoang dã.

Cập nhật: 17/07/2020 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video