Phát hiện hàng trăm trứng thằn lằn bay 120 triệu năm ở Trung Quốc

Các nhà nghiên cứu tìm được 215 quả trứng hóa thạch ở Trung Quốc, trong đó có 16 quả vẫn chứa phôi thai.

Các nhà khoa học tìm thấy 215 quả trứng hóa thạch của loài thằn lằn bay Hamipterus tianshanensis ở khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc, Guardian hôm qua đưa tin. Phát hiện này giúp họ kết luận con non của chúng khi mới sinh chưa biết bay ngay và cần bố mẹ chăm sóc.


Thằn lằn bay là loài có xương sống biết bay đầu tiên trên Trái Đất. (Ảnh: Reuters).

Thằn lằn bay Hamipterus tianshanensis sống cách đây 120 triệu năm, trong kỷ Phấn Trắng. Thức ăn chủ yếu của chúng là cá. Con trưởng thành có một chiếc mào trên đầu, hộp sọ khá dài, hàm răng sắc nhọn và sải cánh dài đến 3,5 mét.

Trong số những quả trứng được phát hiện có 16 quả vẫn chứa một phần phôi thai. Ngoài trứng và một số con non, các nhà khoa học còn tìm thấy hóa thạch của những con trưởng thành.

"Chúng tôi muốn gọi nơi này là "Vườn địa đàng của thằn lằn bay"", nhà cổ sinh vật Shunxing Jiang tại Viện Cổ sinh vật có xương sống và Cổ nhân loại học thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, nhận xét.

Thằn lằn bay là loài vật có xương sống biết bay đầu tiên trên Trái Đất, sau này các loài chim và dơi mới xuất hiện. Trước đó, các nhà khoa học chưa từng phát hiện quả trứng thằn lằn bay nào vẫn chứa phôi thai được lưu giữ tốt như vậy.

Phôi thai hóa thạch chỉ ra chân sau của con non phát triển nhanh hơn các bộ phận thiết yếu khác của cánh như xương cánh tay, theo nhà cổ sinh vật Alexander Kellner tại Bảo tàng Quốc gia Brazil ở Rio de Janeiro.

"Ở một số loài chim, con non biết bay ngay khi chui ra khỏi trứng, trong khi số khác sẽ cần thời gian dài hơn sống dưới sự chăm sóc của bố mẹ. Hamipterus tianshanensis non có thể đi bộ nhưng chưa biết bay ngay", Jiang cho biết.


Các nhà khoa học phát hiện nhiều hóa thạch trứng ở Trung Quốc. (Ảnh: Marcelo Sayao).

Các nhà khoa học cho rằng những con thằn lằn bay này sống thành đàn ở gần một hồ nước ngọt lớn. Kellner đưa ra bằng chứng cho thấy các con cái tập trung lại với nhau để đẻ trứng và sẽ quay lại địa điểm này trong những năm sau.

Nhóm nghiên cứu nhận định một số trứng, con non và con trưởng thành có thể bị bão cuốn khỏi nơi làm tổ, rơi xuống hồ nước, chìm xuống bùn rồi trở thành hóa thạch. Mỗi quả trứng dài khoảng 7,2cm, có vỏ ngoài mỏng với vài vết rạn và lớp màng dày bên trong, giống với kiểu trứng mềm của một số loài rắn và thằn lằn hiện đại. Các nhà khoa học hiếm khi phát hiện trứng thằn lằn bay và phôi thai trong quá trình khảo cổ vì trứng vỏ mềm rất khó chuyển thành hóa thạch.

Cập nhật: 02/12/2017 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video