Các nhà nghiên cứu khai quật tàn tích của một khu rừng trải dài 400km từ bang New York State tới Pennsylvania cách đây hơn 380 triệu năm.
Hệ rễ của cây Archaeopteris trong rừng Cairo nhìn từ trên cao. (Ảnh: IFL Science).
Nhóm nghiên cứu phát hiện khu rừng cổ đại tại đáy mỏ đá sa thạch ở thị trấn nhỏ Cairo thuộc New York. Đây là khu rừng cổ nhất thế giới từng được tìm thấy. "Kỷ Devon là thời kỳ khu rừng đầu tiên xuất hiện trên Trái Đất", trưởng nhóm nghiên cứu William Stein, giáo sư danh dự khoa Sinh vật học ở Đại học Binghamton, cho biết. "Điều này dẫn tới những thay đổi trong hệ sinh thái ở đất liền và đại dương, nồng độ CO2 trong khí quyển và khí hậu toàn cầu. Từ sau đó, thế giới không bao giờ giống như trước nữa".
Khu rừng rộng 3.000 m2 giúp nhóm nghiên cứu hiểu sâu hơn về quá trình tiến hóa và vai trò của cây rừng. Khi các loài thực vật đơn giản tiến hóa thành hệ thống phức tạp hơn, tương tác của chúng với đất đai và khí quyển cũng thay đổi, góp phần tạo ra thế giới ngày nay, theo tiến sĩ Chris Berry ở Trường Khoa học Trái Đất và Đại dương thuộc Đại học Cardiff.
Rừng Cairo là nơi sinh trưởng của ba nhóm thực vật, mỗi nhóm có hệ thống rễ riêng độc đáo. Những cây dương xỉ cành nguyên thủy không có phiến lá dẹt, hình dáng giống dương xỉ đuôi ngựa ngày nay, cao từ 30 cm đến 3 m.
Một nhóm thực vật khác là cây thân gỗ Archaeopteris. Với hình dáng giống cây lá kim, Archaeopteris có phiến lá dẹt và hệ rễ tỏa rộng. Mọc cao tới 11 m, nhóm cây này có nhiều đặc điểm tương tự cây hiện đại, hé lộ quá trình chuyển tiếp từ thể bào tử sang cây mang hạt.
Các nhà nghiên cứu chưa xác định được nhóm cây còn lại thuộc loài nào nhưng suy đoán đó có thể là cây thạch tùng. Theo họ, hóa thạch cá ở bề mặt mỏ đá cho thấy khu rừng bị xóa sổ bởi một trận lụt.