Một tượng Phật có niên đại 1.000 năm tuổi, tìm thấy vào năm 1938, được chạm khắc từ thiên thạch loại cực hiếm, nhóm nhà khoa học tại Đại học Stuttgart vừa cho biết.
Nghiên cứu đã được công bố Trong Tạp chí Meteoritics and Planetary Science.
Bức tượng nặng 10kg, được tạc theo phong cách giao thoa giữa văn hóa Phật giáo và nền văn hóa cổ Bon ở Tây Tạng, diễn tả vị thần Vaisravana (Đa Văn Thiên Vương), là một trong Tứ Đại Thiên Vương, trấn ở phương Bắc, còn gọi là Bắc Phương Thiên Vương.
Tượng Phật tạc từ thiên thạch có niên đại 1.000 năm (Ảnh: Phys.org)
Qua phân tích bức tượng, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy lớp ataxite cực hiếm của thiên thạch sắt chứa nickel. Theo các nhà khoa học, bức tượng đã được tạc từ một mảnh thiên thạch Chinga rơi ở khu vực biên giới giữa Mông Cổ và Siberia vào khoảng 15.000 năm trước đây. Do từ nhiều thế kỷ trước, những người đào vàng đã tìm thấy các mảnh vỡ của thiên thạch này tại đây.
Dựa trên nguồn gốc tạo từ thiên thạch, nhóm nghiên cứu định giá bức tượng trên có thể trị giá 20 nghìn USD và niên đại của bức tượng khoảng gần 1 nghìn năm tuổi.
Trong thời cổ đại, thiên thạch cũng là những vật tạo cảm hứng tạc tượng thần để tôn thờ nhiều nền văn hóa, từ người Inuit ở Geenland tới thổ dân Úc. Thậm chí tới ngày nay ở một số khu vực tôn giáo nổi tiếng nhất thế giới như thánh địa Mecca ở Ả-rập, viên Đá Đen cũng được cho là tạo từ một thiên thạch đá.