Phục hồi mùi cũ, bảo tồn mùi đặc biệt sẽ "tuyệt chủng"

Các nhà nghiên cứu đang phát triển nhiều kỹ thuật khác nhau để phục hồi những mùi vị đã mất trong quá khứ và bảo tồn những mùi vị hiện tại cho tương lai, như mùi chợ, mùi thư viện...

Trong cuộc sống có những mùi rất đặc biệt như mùi trong quán rượu, thư viện, cửa hàng sách cũ, mùi chợ… như là một phần văn hóa của chúng ta. Tuy nhiên, những mùi đặc biệt và khá quen thuộc này đang có nguy cơ "một đi không trở lại" bởi sự đổi thay quá nhanh của đời sống.

Không là mãi mãi

Hãy nhớ lại mùi của một cuốn sách bọc da vừa được lấy xuống từ trên giá sách thâm trầm... Những trang giấy ngả vàng còn vướng vài hạt bụi. Trước khi mở sách đọc, chúng ta đã hít đầy phổi mùi của quyển sách.


Mùi của những gì quen thuộc, như của những cuốn sách cũ, là một phần của “di sản phi vật thể” của chúng ta nhưng chưa được chú ý bảo vệ - (Ảnh: Getty Images/BBC).

Tại sao mùi của một cuốn sách cũ hay của một thị trấn lại quan trọng? Theo BBC, những mùi đặc biệt này có giá trị văn hóa. Khi những cuốn sách cũ bị hư hỏng, bị bỏ đi hay được bảo quản nghiêm ngặt trong những căn phòng chuyên biệt, chúng ta khó trải nghiệm những mùi vị này hơn.

Alex Rhys-Taylor - Đại học Goldsmiths, chuyên về trải nghiệm không gian đô thị - cho biết nghiên cứu của ông chứng minh rằng chúng ta có thể hiểu nhiều về kinh tế văn hóa của một nơi bằng mùi của nó.

Ví dụ, hít sâu một hơi ở khu trung tâm London, chúng ta có thể nghe mùi cà ri, mùi quán rượu và mùi khói xe cộ. Những mùi này cho chúng ta cảm nhận rõ ràng về một nơi. Hơn thế, nó còn cho thấy lịch sử về di dân của cư dân ở đây.

Tuy nhiên, những mùi cụ thể đặc trưng cho một nơi mà ai cũng ngửi thấy không là mãi mãi. Chúng thay đổi theo sự di chuyển, toàn cầu hóa, giao lưu quốc gia của chúng ta. Ngày nay, có những mùi giống nhau ở tất cả các thành phố như mùi cà phê rang, mùi thịt hầm... trong khi những mùi đặc trưng của một nơi lại biến mất, hoặc bị lấn át bởi những mùi mới.

Phục hồi, bảo tồn mùi vị đặc biệt

Cô Cecilia Bembibre - nhà nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu di sản bền vững, Đại học London - đang phát triển nhiều kỹ thuật khác nhau để phục hồi những mùi vị đã mất trong quá khứ và bảo tồn những mùi vị hiện tại cho tương lai. Công việc của Bembibre nhằm bảo tồn mùi - một lĩnh vực ít được nghiên cứu nhưng là di sản về khứu giác và mùi hương của chúng ta.

Các nhà khoa học phơi sợi polymer trong môi trường có mùi để các hợp chất hóa học gây mùi trong không khí bám vào sợi polymer. Sau đó, họ phân tích mẫu sợi polymer trong phòng thí nghiệm, hòa tan các hợp chất dính vào sợi, tách chúng ra và xác định từng loại để có công thức cho một mùi hương.

Một phương pháp khác là phân tích sắc ký khí - rất phổ biến trong ngành sản xuất nước hoa, thực phẩm và đồ uống. Nó cho phép xác định các hợp chất có mùi dễ bay hơi.

Cách thứ ba là dùng mũi. Một nhóm người sẽ cùng mô tả một/một số mùi nhất định, hoặc các chuyên gia tạo mùi/phối mùi sẽ tham gia mô tả các mùi hương.

Kate McLean, nhà nghiên cứu khác, cố gắng lập bản đồ mùi vị phân bố theo vùng địa lý và còn bao gồm những mùi thay đổi theo thời gian như mùi của buổi sáng, buổi chiều ở cùng một khu vực, ví dụ như mùi của một đường phố ở Thượng Hải hoặc mùi mùa hè của Le Marais, Paris.

Trang web sensorymaps do cô sáng lập cũng xem xét mùi của quá khứ như mùi của Widnes, một thị trấn cũ sản xuất xà phòng vào thế kỷ 19-20. Ngày nay, mùi hương hiện tại của nơi đây rất khác so với mùi cũ. Nghiên cứu của McLean cho phép chúng ta trải nghiệm những mùi của quá khứ và hiện tại.

Tại sao mùi đặc biệt chưa là di sản?

Theo cô Cecilia Bembibre, bảo tồn mùi hương là một khía cạnh của bảo tồn di sản, nhưng thường xuyên bị lãng quên. Các công trình văn hóa như phòng triển lãm, bảo tàng, nhà lưu niệm đều chủ yếu tập trung vào phần thị giác (nhìn), rất ít tập trung vào phần khứu giác (ngửi).

Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã ghi danh các phong tục, nghệ thuật truyền khẩu, biểu diễn… nhưng mùi chưa được ghi nhận dù vai trò của mùi trong nhiều phong tục là rất rõ ràng, như lễ hội hoa bên hiên nhà ở Tây Ban Nha hay đám rước tuần thánh ở Popayan (Colombia).Mặc dù mùi bị lãng quên trong tư cách là một di sản, nhiều người đam mê với mùi hương vẫn nỗ lực để những mùi đặc biệt này có ý nghĩa trong đời sống được bảo tồn.

Cập nhật: 03/02/2020 Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video