Sa mạc "dị nhất thế giới": Cồn cát vàng thì chẳng thấy đâu mà chỉ thấy hồ nước với tôm cá

Sa mạc kỳ lạ nhất thế giới, nơi nước còn nhiều hơn cả cát

Trong suy nghĩ của con người, sa mạc luôn là một vùng đất cằn cỗi, hoang vu, khắp nơi đều là cát vàng, là nơi không có sự sống. Nhưng sa mạc đặc biệt này lại không giống vậy. Sa mạc đó không chỉ có hồ nước, mà còn có cá, tôm sinh sống, cảnh quan vô cùng đẹp.

Bất cứ ai khi nhắc đến sa mạc cũng đều nói rằng, sa mạc là nơi hoang vu, xơ xác, khắp nơi là cát vàng và vô cùng nóng. Nhưng thứ gì mà chẳng có ngoại lệ, sa mạc cũng thế.

Bức tranh thiên nhiên độc đáo

Sa mạc Lençóis Maranhenses được mệnh danh là sa mạc đẹp nhất thế giới. Đồng thời, nó còn được cho là sa mạc “dị” nhất thế giới. Bởi có một nửa là biển, còn một nửa là sa mạc, phá vỡ nhận thức vốn có của mọi người về sa mạc.


Sa mạc này có diện tích trải dài khoảng 1000km2.

Sa mạc thuộc bang Maranhão, vùng đông bắc của Brazil này thực ra là một công viên quốc gia xinh đẹp, có diện tích trải dài khoảng 1000km2. Hàng năm, ở đây vẫn nhận được lượng mưa nhất định. Bởi vậy, trên thực tế nó không được coi là sa mạc, nhưng người dân địa phương vẫn quen gọi cái tên như thế.

Sa mạc Lençóis Maranhenses được đánh giá là địa điểm kỳ diệu nhất. Vào mùa mưa, từ tháng 1 đến tháng 6 hàng năm, nơi đây được ví như thiên đường trong mơ vậy. Sau mưa, hàng nghìn hồ nước lớn nhỏ xuất hiện, nằm ẩn hiện giữa những cồn cát mịn, nước hồ thì trong vắt có thể nhìn thấy đáy. Đây cũng là địa điểm quay hành tinh Vormir trong bộ phim "The Avengers" nổi tiếng.

Sa mạc Lençóis Maranhenses là sa mạc rất “dị”. Biển nằm trong sa mạc, hoặc là nói, hàng nghìn hồ nước lớn nhỏ đã chia nhỏ sa mạc, nhìn vào giống như những viên ngọc xanh được đặt giữa sa mạc rộng lớn. Chính vì thế, nên sa mạc này còn được gọi với một cái tên khác, “sa mạc ngàn hồ”. Khi nắng lên, hàng ngàn hàng vạn hồ nước trong vắt sẽ kết hợp với các cồn cát trắng đã tạo nên một bức tranh sơn dầu tuyệt đẹp.

Những ai đã từng đến đây đều biết rằng, vào những khoảng thời gian khác nhau trong ngày thì sa mạc lại mang những vẻ đẹp khác nhau, có cồn cát dài như dải ruy băng, có cồn cát hình lưỡi liềm do gió thổi và tác động của dòng hải lưu nên có thể cao tới 40 mét.

Ngoài ra, cảnh quan của Sa mạc Lençóis Maranhenses sẽ thay đổi một lần trong năm. Khi mùa mưa kết thúc vào tháng 6, sa mạc sẽ bước vào mùa khô, nước trong hồ sẽ bắt đầu bốc hơi, và mực nước có thể giảm trung bình một mét trong vòng một tháng. Trong mùa khô, từ tháng 7 đến tháng 12, gió đông bắc thổi liên tục, đẩy các cồn cát vào đất liền, sâu nhất khoảng 48 km, đồng thời tạo ra các cồn cát cao chót vót.


Sa mạc này còn được gọi với một cái tên khác là “sa mạc ngàn hồ”.

Sự khác biệt giữa sa mạc Lençóis Maranhenses và các sa mạc bình thường khác là mưa tạo thành các khối nước trong vắt giữa các cồn cát. Mặc dù có vẻ ngoài giống như sa mạc, nhưng công viên quốc gia Lençóis Maranhenses nhận được lượng mưa hàng năm là 1.600 mililit, gấp 300 lần so với sa mạc Sahara.

Sở dĩ sa mạc Lençóis Maranhenses có lượng mưa nhiều như vậy là do có vị trí địa lý nằm ven biển, gần Amazon, khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới. Mặt khác, do gần đường xích đạo nên ngoài việc chịu sự chi phối của vành đai áp thấp xích đạo, sa mạc này còn chịu sự ảnh hưởng của gió mậu dịch đông bắc, gió mậu dịch đông nam.

Đặc biệt, một lượng lớn cát biển bị thổi vào đất liền khiến sa mạc Lençóis Maranhenses tiếp tục bị kéo dài vào phía trong. Đến nay, sa mạc này đã kéo dài khoảng 50 km và hiện nay nó vẫn tiếp tục tiến sâu vào đất liền với tốc độ khoảng 20 cm mỗi năm. Sa mạc Lençóis Maranhenses chủ yếu có các cồn cát trắng và những hồ nước mặn.

Do ở đây có lượng mưa khá dồi dào, nên việc hình thành các hồ nước ngọt giữa các cồn cát là chuyện hết sức bình thường. Mùa mưa qua đi, hàng nghìn hồ nước lớn nhỏ xuất hiện, nằm ẩn hiện giữa những cồn cát mịn. Trong đó, hồ Xanh là một trong những địa điểm rất nổi tiếng ở công viên. Hồ này có hàng nghìn con cá nhỏ và du khách có thể bơi trong đó.

Trong thời gian khô hạn, các hồ nước có thể bốc hơi ít hoặc cạn kiệt hoàn toàn, nhưng đến mùa mưa, các hồ luôn trở thành nơi cư ngụ của nhiều loài cá, rùa và nghêu. Ngoài cá, tôm, do có nhiệt độ thích hợp nên ở đây cũng có nhiều loài chim, rùa và những loài động vật khác tụ tập ở những hồ nước nhỏ ở giữa sa mạc.

Một trong những loài sinh vật nổi bật nhất tại “Sa mạc Ngàn Hồ” là loài cá sa mạc với tên khoa học Lepidosiren paradoxa. Loài cá này có khả năng tồn tại đáng kinh ngạc trong điều kiện khắc nghiệt. Vào mùa khô, các hồ nước cạn khô, nhiệt độ có thể vượt quá 40 độ C, nhưng loài cá này không chết. Thay vào đó, chúng quấn mình vào một túi noãn bào, giảm sự trao đổi chất và bước vào trạng thái giống như ngủ đông, chờ đợi mùa mưa tới.

Khi mưa đến, nước hồ lại đổ đầy, và loài cá này cũng theo đó mà bắt đầu thức giấc. Chúng phá vỡ túi noãn bào, chui ra và ngay lập tức bước vào mùa sinh sản. Những ấu trùng cá nở ra từ trứng sau đó trở thành thức ăn cho hàng loạt sinh vật khác, tạo nên một chuỗi sinh học hoàn chỉnh. Quá trình này lặp đi lặp lại mỗi năm, duy trì sự sống và cân bằng sinh thái của khu vực hồ.

Hơn nữa, nhiệt độ khi vào mùa mưa ở Lençóis Maranhenses cũng rất khác so với các sa mạc khác. Cụ thể, thay vì cái nóng khắc nghiệt, sa mạc Lençóis Maranhenses được cung cấp hơi mát từ những hồ nước.

Trong khi đó, vào mùa khô (từ tháng 7 đến tháng 12), Lençóis Maranhenses lại biến hoá không khác gì so với các sa mạc thông thường, đặc biệt các hồ nước nhỏ tại đây sẽ bị thu hẹp lại, thậm chí là khô cạn.

Và đây chính là điều kỳ diệu nhất, khi hồ đầy nước, các loài động vật lại lần nữa xuất hiện như chưa từng biến mất trước đó.

Di sản văn hóa và con người

“Sa mạc Ngàn Hồ” không chỉ là một kỳ quan thiên nhiên mà còn mang trong mình những giá trị văn hóa quý báu. Từ hàng ngàn năm trước, các dân tộc du mục cổ đại đã sinh sống tại đây và để lại những dấu ấn văn hóa đặc biệt thông qua các bức tranh khắc đá tại khu vực được gọi là "Thành phố của quỷ". Các cột cát ở đây được hình thành qua hàng ngàn năm bởi gió và nước, tạo nên các cột đá với hình thù kỳ lạ như một thành phố cổ bằng cát.

Những bức tranh khắc đá này ghi lại cuộc sống của người xưa, từ cảnh săn bắn, câu cá đến những sinh hoạt đời thường như kéo co. Hình ảnh người cổ đại được khắc họa với những chuyển động sinh động, cho thấy trình độ nghệ thuật và văn hóa của người xưa.


Các đồi cát trắng xen lẫn với những hồ nước nhỏ màu ngọc lục bảo. Cảnh tượng ấy biến nơi đây thành vùng đất hiếm nhất trên hành tinh: một sa mạc "hòa quyện" cùng thiên đường nhiệt đới.

Thách thức từ biến đổi khí hậu và con người

Tuy nhiên, “Sa mạc Ngàn Hồ” đang phải đối mặt với những thách thức lớn từ biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người. Trong những năm gần đây, lượng mưa giảm mạnh và mực nước ngầm suy giảm khiến nhiều hồ không còn đủ nước để duy trì sự sống sau mùa mưa. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái, đặc biệt là loài cá lâu năm có tuổi đời lên đến 10.000 năm.

Ngoài ra, sự phát triển nông nghiệp và công nghiệp tại khu vực xung quanh cũng góp phần làm ô nhiễm nguồn nước, gây áp lực lớn lên hệ sinh thái mong manh. Du lịch phát triển quá mức cũng là một vấn đề, khi việc khai thác không kiểm soát làm tổn hại thêm đến môi trường tự nhiên.

Hằng năm, sa mạc Lençóis Maranhenses thu hút rất đông du khách tới tham quan, ngắm nhìn vẻ đẹp độc nhất vô nhị trên thế giới.

Ai nói sa mạc và nước không thể cùng tồn tại ? Đó là khi bạn chưa nhìn thấy phong cảnh sa mạc ở Brazil mà thôi. Chỉ có tận mắt nhìn thấy, các bạn mới có thể hiểu được thế nào là rung động thật sự, điện thoại hoàn toàn không thể nào chụp được hết vẻ đẹp của nó.

Cập nhật: 18/10/2024 Tổng Hợp
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video