Sự thật về "hố không đáy" có thể hồi sinh động vật chết

Hố sâu hơn 24.000m, tương đương 1/4 quãng đường xuyên qua phần vỏ Trái đất dày nhất, nhiều khả năng là trò lừa lấy cảm hứng từ giếng mỏ.

Ngày 21/2/1997, Mel Waters, một cư dân ở bang Washington, Mỹ, gọi điện đến chương trình radio Coast to Coast AM với Art Bell và đưa ra những lời khẳng định kỳ lạ. Mel nói mình đã tìm thấy một chiếc hố không đáy sở hữu sức mạnh phi thường. Qua hàng loạt cuộc gọi, những miêu tả của ông càng trở nên kỳ lạ hơn. Câu chuyện này nhanh chóng trở nên nổi tiếng, khiến nhiều người kéo đến tìm kiếm chiếc hố. Tuy nhiên, chiếc hố chưa bao giờ được tìm thấy và các nhà địa chất tin rằng một cấu trúc như vậy không thể tồn tại.


Một chiếc hố sụt thông thường. (Ảnh: Poliorketes).

Câu chuyện về hố không đáy

Mel không nói chính xác chiếc hố ở đâu nhưng cho biết nó nằm cách thành phố Ellensburg, quận Kittitas, bang Washington, khoảng 14km về phía tây. Theo ông, nhiều người biết đến chiếc hố này và cư dân địa phương đã vứt rác ở đó suốt hàng thế kỷ. Những người định cư đầu tiên trong vùng gọi nó là Hố Quỷ.

Trong cuộc gọi đầu tiên tới đài phát thanh địa phương, Mel kể rằng những con chó của mình sợ chiếc hố và không chịu đến gần. Ông cảm thấy hiếu kỳ và quyết định kiểm tra xem nó sâu bao nhiêu. Mel cho biết, ông đo độ sâu bằng dây câu và một quả nặng, nhưng đã đo đến 24.000m dây mà vẫn chưa chạm tới đáy.

Trong những lần xuất hiện tiếp theo trên chương trình vào ngày 24/2/1997, năm 2000 và 2002, Mel đưa ra những lời khẳng định còn khó tin hơn. Ví dụ, ông khẳng định chiếc hố có sức mạnh hồi sinh. Hàng xóm của ông đã ném con chó chết của mình xuống hố, không lâu sau lại trông thấy nó lang thang trong rừng. Dù có vẻ không nhận ra chủ nhân, nó vẫn đeo vòng cổ của con chó đã chết.

Mel cho rằng chiếc hố có khả năng biến đổi một số vật thể. Kim loại sẽ biến đổi thành kim loại khác khi ở gần hố, trong khi radio phát ra những giọng nói kỳ lạ và chơi nhạc thời xưa. Một thùng nước đá sau khi được đưa xuống hố rồi kéo lên bỗng trở nên ấm, nhưng vẫn cứng và bắt lửa. Mel khẳng định, chiếc hố khổng lồ không tạo ra tiếng vọng và dù thả xuống vật dụng có kích thước như thế nào thì cũng không nghe thấy tiếng nó chạm đáy.

Vạch trần chiếc hố bất khả thi

Câu chuyện của Mel gây chú ý lớn và vào năm 2002, một nhóm 30 người đã tới Ellensburg để tìm kiếm chiếc hố. Tuy nhiên, họ trở về nhà mà không thu hoạch được gì. Các phóng viên địa phương muốn tìm hiểu câu chuyện cũng không tìm thấy hồ sơ về bất cứ người nào tên Mel Waters từng sống trong khu vực hoặc sở hữu đất ở quận Kittitas.

Khoa học cung cấp bằng chứng thuyết phục nhất cho thấy chiếc hố chỉ là một trò lừa. Dù vỏ Trái đất không đồng đều, trên đất liền, lớp này dày trung bình 30km, có thể dày tối đa 100km ở một số dãy núi. Như vậy, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), hố của Mel sẽ đạt tới khoảng 1/4 quãng đường xuyên qua phần vỏ Trái đất dày nhất.

Theo Jack Powell, nhà địa chất từ Cơ quan Tài nguyên Thiên nhiên bang Washington, chiếc hố này không những không có thật mà còn không thể tồn tại. Theo ông, nhiệt độ và áp suất khổng lồ từ địa tầng xung quanh sẽ khiến một chiếc hố với kích thước như vậy tự sụp đổ. Powell cho biết, cách giải thích hợp lý hơn là một giếng mỏ cũ bị bỏ hoang đã truyền cảm hứng cho câu chuyện. Khu vực này cũng từng có vài mỏ vàng và người ta đã tìm thấy một số giếng mỏ có thể đã truyền cảm hứng cho Mel.

Một nhà địa chất khác, Pat Pringle, cho biết, bất cứ dây câu nào muốn xuống tới độ sâu hơn 24.000m cũng sẽ bị đứt trước đó do nhiệt độ cực cao. Bên cạnh đó, những miêu tả kỳ lạ khác của Mel như chó hồi sinh hay kim loại biến đổi đều bất khả thi về mặt khoa học.

Cập nhật: 19/06/2024 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video