Thành phố Rome không được xây dựng cho khí hậu ngày nay, liệu có cứu kịp không?

Câu hỏi không phải là liệu một trận lụt kinh hoàng có xảy ra hay không và khi nào? Cơ quan khí hậu mới của Rome ráo riết tìm giải pháp.

Theo các chuyên gia nghiên cứu, thủ đô Rome của Ý không được xây dựng trong một ngày nhưng một phần lớn thành phố có thể bị tàn phá trong vài giờ, khi khí hậu khắc nghiệt xảy ra.

Điều khiến Rome trở thành "quả bom hẹn giờ" về khí hậu, theo trang National Geographic, là sự kết hợp giữa cơ sở hạ tầng lỗi thời và hàng thập kỷ hoạch định chính sách mà phần lớn lại bỏ qua cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra.


Một góc thủ đô Rome với đấu trường La Mã nổi tiếng - (Ảnh: America Domani).

Khí hậu luôn thay đổi, thành phố vĩnh cửu thì không

Kể từ năm 2008, những trận mưa cực đoan đã gia tăng về tần suất và cường độ tại Rome. Khoảng 20 sự vụ cực đoan nhất, được ghi nhận từ năm 2010 đến 2020, đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng ở khu vực đô thị của Rome, theo Trung tâm Biến đổi khí hậu châu Âu - Địa Trung Hải.

Ngay cả lượng mưa vừa phải cũng khiến một số đường phố thường xuyên bị ngập. Chúng như những con sông chảy về các khu vực thấp, làm ngập các trạm dừng tàu điện ngầm và hầm chui...

Những đợt nắng nóng gay gắt là mặt trái của biến đổi khí hậu. Trong 2 thập kỷ qua, nhiệt độ trung bình ở Rome đã tăng 3,6 độ C so với giai đoạn từ năm 1971- 2000. Số ca tử vong liên quan đến nhiệt ở người lớn từ 50 tuổi trở lên tăng 22%.

Khí hậu của Rome là một con lắc dao động giữa hạn hán và lũ lụt.


Những danh thắng khảo cổ học lớn nhất và quan trọng nhất thế giới nằm lộ thiên ngay trong lòng thành Rome luôn bị đe đọa bởi biến đổi khí hậu - (Ảnh: H.TR).


Những điểm đến luôn dày đặc du khách như đài phun nước Trevi này cũng là một thách thức cho việc bảo tồn của Rome - (Ảnh: H.TRANG).

Ông Andrea Filpa, kiến trúc sư và nhà quy hoạch đô thị tại Đại học Roma Tre - đồng tác giả "bản đồ dễ bị tổn thương" đầu tiên của Rome, cho biết: “Biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm các vấn đề tồn tại từ trước" .

Nghiên cứu của ông đã nêu bật một số trở ngại chính của thành phố trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Ví dụ, hơn 90% diện tích đô thị được bao phủ bởi lớp đất không thấm nước, khiến nước không thoát được.

Một số khu phố không có hệ thống thoát nước hiệu quả, khiến những khu vực đó dễ bị ngập lụt.

Một số quận gần bờ biển đã được khai hoang vào thế kỷ 19 và hiện nằm dưới mực nước biển, cần phải bơm nước liên tục để giữ cho chúng khô ráo.

Mối đe dọa chính

Mối đe dọa chính của Rome đến từ nước. Thành phố được xây dựng dựa trên sự cân bằng thủy lực được thiết kế cho khí hậu tiền công nghiệp.

Một trận lụt lớn của sông Tiber sẽ tàn phá nặng nề. Vấn đề không phải nó có xảy ra hay không, mà là khi nào.

Các chuyên gia đồng ý rằng điểm vỡ của các bờ sông nằm ở khu vực phía bắc thành phố, xung quanh cầu Milvian. Nếu con sông vỡ bờ ở khu vực này, nước sẽ chảy xuống trung tâm thành phố lịch sử mà không cách nào chặn được.


Một góc thành phố Rome nhìn từ trên cao - (Ảnh: Britanica).


Rất nhiều tàn tích kiến trúc thời La Mã cổ đại còn sót lại đều nằm trong vùng trũng, thấp của thành Rome - (Ảnh: H.TR).

Ông Aldo Fiori, kỹ sư thủy lực tại Đại học Roma Tre và là chuyên gia hàng đầu về hệ thống nước ở Rome, đã lập mô hình các trận lũ tiếp theo của sông Tiber.

Trong mọi tình huống đều cho thấy đền Pantheon sẽ bị ngập trong ít nhất 2,5m nước và toàn bộ trung tâm lịch sử bị hư hại nghiêm trọng.

Tầm nhìn cho Rome

Người chịu trách nhiệm vẽ ra tầm nhìn tổng thể cho Rome là Edoardo Zanchini. Là kiến trúc sư và là một nhà hoạt động môi trường lâu năm, ông được bổ nhiệm làm giám đốc Cơ quan Khí hậu mới thành lập của thành phố vào năm 2022.


Một con phố nhỏ đặc trưng của Rome - (Ảnh: Britanica).

Năm 2021, Hội đồng thành phố Rome đã bỏ phiếu cho kế hoạch giảm 51% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030. Cơ quan khí hậu đang làm việc để trình bày một chiến lược thích ứng vào mùa thu tới.

Kế hoạch mới sẽ như thế nào? “Sẽ là bất cứ thứ gì ngoại trừ những gì đã được thực hiện ở cấp quốc gia", ông Zanchini nói.

Ba ưu tiên do ông Zanchini đặt ra là: Ngăn chặn tình trạng cạn kiệt nước ở Rome, giảm thiểu rủi ro lũ lụt thảm khốc và đưa ra các biện pháp khẩn cấp để chống lại tác động của những đợt nắng nóng chết người trong mùa hè.

Đối với Zanchini, nhiệm vụ xây dựng một kế hoạch bảo tồn Rome với hơn 2.800 năm lịch sử của nó sẽ rất khó khăn. Nhưng ông vẫn lạc quan.

Cập nhật: 17/06/2023 Tuổi Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video