Nghiên cứu mới qua ảnh chụp vệ tinh cho thấy nhiều khu vực ở Bắc Kinh, đặc biệt là khu trung tâm hành chính thương mại, đang sụt lún tới 11cm mỗi năm.
Theo The Guardian, nghiên cứu về hiện tượng sụt lún ở Bắc Kinh được công bố trên tạp chí Remote Sensing và dựa trên InSAR, một loại radar theo dõi những thay đổi ở độ cao mặt đất. Các tác giả nghiên cứu cảnh báo hiện tượng sụt lún kéo dài sẽ trở thành nguy cơ cho sự an toàn của thủ đô với hơn 20 triệu dân này và hoạt động của ngành đường sắt sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.
"Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành phân tích chi tiết những ảnh hưởng của hiện tượng sụt lún lên cơ sở hạ tầng quan trọng như đường sắt cao tốc ở Bắc Kinh", nhóm nghiên cứu cho biết.
Quận Triều Dương ở Bắc Kinh là nơi diễn ra hiện tượng sụt lún mạnh nhất. (Ảnh: EPA).
Bắc Kinh tọa lạc ở vùng đồng bằng khô ráo, nơi nước ngầm tích tụ suốt hơn một thiên niên kỷ. Khi các giếng được khoan và mực nước ngầm hạ xuống, tầng đất bên dưới rắn đặc lại giống như một miếng bọt khô. Theo kết quả nghiên cứu, toàn bộ thành phố Bắc Kinh đang sụt lún nhưng hiện tượng này xảy ra mạnh nhất ở quận Triều Dương, nơi bắt đầu phát triển từ năm 1990 với hàng loạt tòa nhà chọc trời, đường vành đai và các công trình khác. Nhóm nghiên cứu cho biết mức độ sụt lún không đồng đều ở một số nơi gây nguy hiểm cho những tòa nhà và cơ sở hạ tầng khác.
Hàng chục nghìn giếng nước nằm trong nội thành và xung quanh Bắc Kinh, phần lớn được sử dụng trong trồng trọt và làm đẹp phong cảnh. Chính quyền thành phố ban hành luật quy định về việc đào giếng nhưng chưa thống nhất trong thi hành, theo Ma Jun, giám đốc Viện môi trường và công cộng ở Bắc Kinh.
Năm 2015, Trung Quốc khởi công dự án quy mô nhằm xử lý khủng hoảng nước tại Bắc Kinh. Chính quyền thành phố hoàn thành xây dựng công trình Vận chuyển nước Bắc - Nam trị giá 65 tỷ USD, thiết lập mạng lưới kênh đào và đường hầm dài 2.400km nhằm dẫn 44,8 tỷ mét khối nước vào Bắc Kinh. Vào tháng 1/2015, lãnh đạo quận Triều Dương công bố kế hoạch ngưng sử dụng 367 giếng nước và giảm sử dụng 10 triệu mét khối nước ngầm.
Các chuyên gia nhận định còn quá sớm để kết luận dự án kênh đào có thể làm đầy tầng đất đá ngậm nước và giảm tốc độ sụt lún của Bắc Kinh. Ảnh hưởng của hiện tượng sụt lún lên các tòa nhà và hệ thống đường sắt vẫn tiếp tục gây lo ngại. Một nghiên cứu năm 2015 đề xuất chính quyền Bắc Kinh nên cấm khoan giếng nước mới ở gần đường sắt cao tốc.
Nhiều thành phố trên thế giới cũng phải đối mặt với hiện tượng sụt lún do khai thác nước ngầm quá mức hoặc nguyên nhân khác. Thành phố Mexico City ở Mexico sụt lún 28 cm/năm và Jakarta, Indonesia cũng đang trải qua tốc độ sụt lún tương tự.