Đầu những năm 1900, xe buýt hai tầng phải vượt qua bài kiểm tra khả năng chịu nghiêng để đảm bảo an toàn khi vận chuyển hành khách.
Thời kỳ xe buýt hai tầng chạy bằng động cơ bắt đầu hoạt động rộng rãi ở London, các bài kiểm tra khả năng lật nghiêng đã được sử dụng để đảm bảo độ an toàn. Loại xe buýt này xuất hiện lần đầu tiên tại London năm 1923. Thời đó, số lượng xe buýt không đủ đáp ứng nhu cầu, nhiều công ty cạnh tranh với nhau để chiếm ưu thế.
Xe buýt hai tầng màu đỏ là một trong những biểu tượng của nước Anh. (Ảnh: Road Affair).
Đến năm 1924, có hơn 200 xe buýt độc lập hoạt động trong thành phố, chạy trên những tuyến đường nổi tiếng. Loại xe buýt độc lập này được gọi là "xe buýt hải tặc". Không chạy cố định trên một tuyến đường chính thức, xe buýt hải tặc đôi khi sẽ đi vào những con phố nhỏ hoặc đường thay thế để đến đích nhanh hơn.
Trước sự cạnh tranh của các công ty khác, hãng xe buýt lớn nhất thành phố London General Omnibus bắt đầu sơn xe thành màu đỏ để nổi bật hơn. Cảnh sát chấp thuận hoạt động của xe buýt đỏ. Màu sắc này cũng rất dễ thấy, giúp cảnh báo người sang đường phải chú ý. Xe buýt hai tầng màu đỏ tại London trở thành một biểu tượng của nước Anh.
Xe buýt hai tầng chịu nghiêng 28 độ trong bài kiểm tra tháng 4/1933. (Ảnh: Rare Historical Photos).
Dù trông có vẻ cồng kềnh, những chiếc xe buýt 60 chỗ này không dễ bị lật nghiêng. Theo quy định của cảnh sát, London General Omnibus phải kiểm tra khả năng nghiêng của xe. Thử nghiệm được coi là thành công nếu xe buýt hai tầng nghiêng gần 30 độ mà không lật. Trên xe đặt các bao cát để giả làm 60 hành khách.
Những sợi dây thừng, xích và gờ nhỏ phía dưới không phải để ngăn xe buýt lật nghiêng. Gờ nhỏ giúp chiếc xe không trượt ngang xuống. Xích được buộc lỏng nhằm ngăn bánh xe lăn vì trong quá trình thử nghiệm, phanh không hoạt động. Những sợi dây khác để kéo chiếc xe lại khi nó thực sự lật nghiêng. Mục đích thử nghiệm là kiểm tra khả năng chịu nghiêng so với quy định chứ không cần thực sự lật nghiêng xe buýt, gây thiệt hại và tốn kém.