Thùng rác 4.0 thân thiện của nhóm học sinh giúp phân loại rác chính xác

Thùng rác biết chào mừng và tạm biệt người đến bỏ rác. Đặc biệt, với cảm biến được tích hợp, thùng rác sẽ chỉ mở ra khi người bỏ rác đúng ngăn qui định.

Thùng rác thân thiện này là sản phẩm sáng tạo của em Nguyễn Anh Thư và Nguyễn Văn Lợi (học sinh trường THCS Phú Diên, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) cùng sự hướng dẫn của thầy giáo Trần Văn Vu.


Thùng rác thân thiện với môi trường. (Ảnh: Nhật Tuấn).

Trao đổi với Tạp chí Khám phá, thầy Vu cho biết, sản phẩm này đã được ứng dụng vào lớp học, sân trường, căng tin, gia đình... Ngoài ra, sản phẩm cũng đã xuất hiện trong những “Ngày chủ nhật xanh” tại địa phương, giúp người dân bảo vệ môi trường chung cho toàn xã hội thêm Xanh - Sạch - Sáng.

Theo Anh Thư, xử lý rác thải ở Việt Nam chủ yếu thực hiện dưới hình thức thu gom, chôn lấp ở các bãi rác, chưa chú trọng vào việc thu gom và phân loại rác để tái sử dụng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đang sôi nổi phong trào “Ngày chủ nhật xanh” nhằm giúp tỉnh này thêm Xanh – Sạch – Sáng. Đây là cơ hội để mọi người chung tay bảo vệ môi trường.


Pin năng lượng mặt trời cấp vào mạch sạc, sạc cho ắc quy. (Ảnh: Nhật Tuấn).

“Chúng em tiến hành nghiên cứu đề tài thùng rác thân thiện để nâng cao nhận thức của người dân về công việc phân loại rác tại nguồn, tái sử dụng rác thải, góp phần hạn chế nguồn rác thải ra môi trường, bởi đây là nguyên nhân gây biến đổi khí hậu và bệnh tật”, Thư chia sẻ.

Sau khi lên ý tưởng, các bạn tiến hành tìm mua vật liệu, rồi lập trình, đấu nối và vận hành sử dụng. Các bạn phải đưa ra bản vẽ phù hợp để cho các cánh cửa mở ra đúng với ý tưởng mà ba thầy trò đưa ra.

Pin năng lượng mặt trời cấp vào mạch sạc, sạc cho ắc quy. Nguồn lấy từ ắc quy qua mạch nguồn hạ áp 5V để cung cấp cho toàn bộ hệ thống mạch điều khiển thùng rác, hỗ trợ người bỏ rác vào đúng ngăn quy định.


Phân loại rác rất hữu ích. (Ảnh: Nhật Tuấn).

Lợi cho biết, khi bật công tắc nguồn, tất cả các mạch điện trong hệ thống thùng rác đều hoạt động. Khi có người đến bỏ rác khoảng cách 30cm, thùng rác sẽ tự động chào.

“Lúc chúng ta đưa các loại rác đến thùng rác, trên thùng rác có 2 ngăn để chúng ta phân biệt rác kim loại và các loại rác khác bằng cảm biến kim loại tiệm cận và cảm biến hồng ngoại trên mỗi ngăn”, Lợi giới thiệu.

Khi chúng ta cầm kim loại bỏ vào ngăn các loại rác khác, cảm biến nhận tín hiệu kim loại nên mạch không làm việc, cửa không mở. Lúc đó, chúng ta bỏ vào ngăn số 1, cảm biến kim loại nhận tín hiệu cho mạch làm việc, cửa mở ta bỏ rác vào thùng.


Hai em học sinh bên sản phẩm của nhóm. (Ảnh: Nhật Tuấn).

Tương tự, khi chúng ta cầm các loại rác khác bỏ vào ngăn 1, cảm biến kim loại nhận tín hiệu rác đó không phải là kim loại nên mạch không làm việc, cửa số 1 không mở. Lúc này, chúng ta bỏ vào ngăn số 2, cảm biến nhận tín hiệu mạch điều khiển mở cửa, bỏ rác vào thùng.

Không chỉ vậy, khi người bỏ rác rời đi, thùng rác sẽ chào tạm biệt. Khi thùng rác đầy, cảm biến hồng ngoại nhận tín hiệu báo đầy bằng tín hiệu RF mà chúng ta đã đặt trong nhà hoặc phòng trực cờ đỏ khoảng cách 100 mét, đèn báo lên, chúng ta đi lấy rác đưa đến nơi xử lý rác.

Thư cho biết thêm: “Sản phẩm đã sử dụng công nghệ 4.0 như dùng các loại cảm biến hồng ngoại, cảm kim loại để phân loại rác; sử dụng pin năng lượng mặt trời, có thể cung cấp điện cho bình ắc quy lưu trữ điện để cung cấp cho toàn bộ các mạch điện ở thùng rác”.


Người dân bỏ rác trong ngày Chủ nhật xanh. (Ảnh: V.V).

Sản phẩm này đã đạt giải Nhì cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng cấp tỉnh năm 2019, giải Tư hội thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm 2019.

Nói về các học trò của mình, thầy Vu cho biết, để cho ra đời sản phẩm này, hai em Thư và Lợi tập trung cao độ, làm hết mình, hai em rất giỏi và có năng khiếu về sáng tạo.

“Thùng rác hoạt động tốt, học sinh rất thích thú khi bỏ rác vào thùng. Nếu được sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của các công ty, sản phẩm sẽ được nhân rộng để sử dụng trong toàn tỉnh hoặc trên cả nước. Để tài này giúp mỗi người dân có ý thức phân loại rác từ trong gia đình, trường học và công cộng”, thầy Vu chia sẻ.

Cập nhật: 22/07/2019 Theo khampha
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video