Wagasa thực sự trở thành một vật bất ly thân sau thời kỳ Edo, tức là khoảng giữa thời Meiji và Taisho. Vào thời điểm này, nhu cầu sản xuất wagasa tăng không ngừng và có tới hơn 100 xưởng sản xuất ra đời.
Ban đầu, các quý tộc Nhật chỉ dùng dù để che nắng. Sau này, khi kỹ thuật chống thấm nước phát triển, dù được sử dụng cả những lúc trời mưa và dần dần mang luôn chức năng của một món đồ trang sức. Tuy nhiên, khi dù phương Tây du nhập vào, wagasa mất dần vị thế do không thực dụng bằng, giá lại đắt hơn nhiều.
Mặc dù có nguồn gốc Trung Quốc nhưng chính người Nhật mới khiến cây dù trở nên hoàn hảo. Sở dĩ dù có tên là wagasa vì muốn gợi nhắc tới nguyên liệu chính làm nên vẻ đẹp của nó: giấy washi, loại giấy truyền thống nước Nhật. Khung tre được tách từ một thân tre lớn. Tổng cộng có 50 khung và tất cả đều được gọt với độ dày bằng nhau.
Công đoạn làm giấy wagashi cũng rất cầu kỳ, với nguyên liệu từ lõi của ba loại cây quý trồng tại Nhật. Loại giấy này rất bền và và đó cũng là lý do làm tăng giá thành của sản phẩm này lên rất nhiều.
Để hoàn thành một chiếc ô, các nghệ nhân phải mất tới vài tháng làm việc tỉ mỉ. Sau khi hoàn thành phần khung, họ cũng mất rất nhiều thời gian để vẽ trang trí bằng sơn mài. Các họa tiết chủ yếu thường xuất hiện trên wagasa là các chủ đề liên quan đến các tích truyện xưa hoặc các họa tiết thiên nhiên như chim, hoa, quả và những cô gái đẹp.
Ngày nay, chiếc dù wagasa lại được du khách quốc tế vô cùng yêu thích và trở thành một món quà lưu niệm mà bất cứ ai từng tới xứ sở hoa anh đào đều muốn “tậu” về.