Bất chấp những khuyến cáo về cúm gia cầm có thể lan ra thành đại dịch, chúng tôi ghi nhận việc bán gia cầm sống chưa qua kiểm dịch vẫn diễn ra ở nhiều nơi và gia cầm ở nhiều nơi vẫn ồ ạt đổ về TP.HCM.
Một người buôn bán gà trên quốc lộ 1A bị thú y Bình Chánh phát hiện, anh liền gọi điện thoại để “báo động” cho những xe ở phía sau |
Chiều 26-10, một phụ nữ đứng trước chốt kiểm tra của thú y Q.5 mời: “Mua gà vịt gì không cưng?”. Biết chúng tôi muốn tìm gà, vịt còn sống với số lượng lớn, chị nhanh nhảu:
“Cần bao nhiêu cũng có. Vô nhà chị coi đi, ưng con nào bắt con đó”. Tuy nhiên, chúng tôi hỏi lượng gà vịt này có qua kiểm dịch chưa thì chị ậm ừ: “Gà vịt lông thì làm gì qua kiểm dịch. Chỉ có gà vịt làm rồi mới vô bao kiểm dịch thôi”.
Cách đó chừng 15m, chúng tôi cũng được một chị bán trái cây mời mua gà! Đợi khách gật đầu, chị nhanh chân vào nhà xách ra một cái giỏ chen chúc bốn con gà. Chị ra giá 40.000 đồng/kg gà trống, 30.000 đồng/kg gà mái: “Gà vịt lúc này vận chuyển buôn bán khó khăn nên giá có lên tí xíu”. Hỏi về việc kiểm dịch, chị gật đầu: “Có chứ, không kiểm dịch sao dám bán!?”. Nhưng khi chúng tôi đòi xem giấy kiểm dịch thì chị giả lả: “Đây là gà thả vườn từ Tiền Giang lên. Còn an toàn hơn gà công nghiệp đã vô bao kiểm dịch đó”.
Tại những chợ khác, chúng tôi cũng không khó khăn lắm để tìm “tông tích” gà vịt “còn lông”. Ghé bên một mẹt thịt vịt trơ trọi không bao kiểm dịch ở chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), chúng tôi cũng được người bán hàng chạy ào vào nhà xách ra một cặp vịt còn kêu quang quác. Theo lời hai người bán vịt nói chuyện với nhau thì họ đi mua lại của một cơ sở giết mổ gần đó.
Tại chợ Tân Sơn Nhì (Q.Bình Tân), hỏi mua gà sống, bà chủ sốt sắng: “Có, chú lấy thì chị mổ tại chỗ cho chú mang về”. Song khi chúng tôi đề nghị mua số lượng nhiều thì bà chủ quán tỏ ra nghi ngờ và thoái thác: “Giờ thú y làm gắt lắm, làm gì còn gà sống nhiều mà bán, chú muốn mua nhiều thì lên Củ Chi, Hóc Môn vô vườn mà kiếm”.
Dạo qua các chợ Hóc Môn, Bà Chiểu, chợ Tân Bình cũng như các chợ tạm cuối đường Nguyễn Thái Sơn, chợ Cầu, thịt gia cầm tươi sống vẫn được bày bán nhan nhản.
Tại chợ Thị Nghè, chúng tôi còn được cô bán gà “lên lớp” do cái tội “chết nhát” vì khi hỏi mua cặp vịt, ngả giá xong xuôi, chuẩn bị cắt tiết tại chỗ thì chúng tôi hỏi ngang: “Có giấy của thú y không vậy?”. Cô chủ quẳng con dao xuống đất, trợn mắt: “Con vịt của người ta khỏe mạnh, ngon lành thế này mà cứ hỏi tới hỏi lui là sao? Chết nhát thì đừng có ăn. Giấy tờ gì”. Tại khu vực chợ Tam Bình (Q.Thủ Đức), một người dân cho biết: “Mấy người bán gà vịt ở đây không dám bày bán công khai nhưng chú vô khu vực chợ cá, rau quả hỏi thì có liền”.
Không giấu giếm như khu vực nội thành, càng ra vùng ven thì hoạt động mua bán gia cầm càng công khai hơn. Sáng 26-10, theo lời nhiều tiểu thương tại chợ Bình Chánh, trạm thú y vừa “càn quét” qua nên phần nhiều gà vịt sống đã được “tẩu tán”. Tuy nhiên, cuối chợ vẫn có mấy con gà, vịt sống được bày ra đường đi. Gí cặp vịt vào mặt chúng tôi, anh bán hàng tiếp thị: “Vịt cổ lùn của anh ngon lắm em ơi!”. Về kiểm dịch, anh hồn nhiên giải thích: “Sống chết có số hết rồi. Kiểm dịch thì kiểm chứ tới hồi chết cũng chết hà”.
Bên cạnh mua bán, việc nuôi gia cầm vẫn còn tồn tại nhiều nơi ở TP.HCM. Một cán bộ thú y thừa nhận: “Ở nội thành vẫn còn nhiều nơi nuôi gà, nhất là gà đá độ”. Quả thật, theo một người bán lồng đan tre nhốt gà ở đường Hòa Hảo, Q.10 thì lai rai vẫn có nhiều “sới” ghé lại mua lồng. Trên lề đường Đào Duy Từ, sáng sớm còn nhiều “sới” ôm gà đi uống cà phê.
YẾN TRINH - QUANG KHẢI - Đ.HƯNG