Ngày 26/8, Giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) Jeremy Konyndyk khẳng định cách tốt nhất để chống lại dịch Ebola là hướng dẫn người dân tự bảo vệ sức khỏe vì sự thiếu hiểu biết là nguyên nhân lớn nhất cản trở công tác phòng chống dịch bệnh chết người này.
Theo ông Konydyk, bệnh Ebola khó lây hơn rất nhiều so với các bệnh truyền nhiễm khác nhưng lại gây hậu quả nghiêm trọng hơn một khi bị nhiễm. Đơn cử, đối với bệnh sốt rét, căn bệnh này rất khó phòng ngừa do chủ yếu bị lây truyền qua muỗi Anopheles khi con người đang ngủ. Trong khi đó, dịch Ebola lại có thể ngăn chặn bằng cách chủ động tránh tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ cơ thể nạn nhân.
Nhân viên y tế chăm sóc một bệnh nhân nhiễm Ebola. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Do đó, theo ông Konydyk, điểm mấu chốt trong việc kiểm soát dịch bệnh này là giúp người dân hiểu hơn về cách tự bảo vệ sức khỏe và phương pháp phòng tránh nhiễm bệnh.
Cũng liên quan đến dịch bệnh Ebola hiện nay, cựu Giám đốc USAID Peter Riot cho biết kể từ khi virus Ebola được phát hiện năm 1976, thế giới chưa bao giờ chứng kiến bất kỳ đợt bùng phát nào có quy mô lớn như hiện nay.
Theo nhà khoa học người Bỉ này, sự bùng phát dịch bệnh hiện nay có liên quan chặt chẽ đến các yếu tố chủ quan và khách quan ở các nước Tây Phi trong 6 tháng qua. Trong đó có 3 yếu tố quan trọng nhất là chất lượng chăm sóc y tế thấp (do hầu hết các nước đều bị tàn phá sau nhiều thập kỷ chìm trong nội chiến), sự mất lòng tin của người dân đối với chính phủ và sự phản ứng chậm trễ của các tổ chức quốc tế.
Ông Peter Riot cho biết dịch Ebola khởi phát từ tháng 12/2013 nhưng mãi tới tháng 7 năm nay các tổ chức quốc tế mới đưa ra lời cảnh báo, thay vì phải đưa ra từ tháng 3.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến nay bệnh Ebola đã cướp đi mạng sống của 1.427 người trên tổng số hơn 2.600 trường hợp nhiễm bệnh, chủ yếu tập trung tại 4 nước Tây Phi gồm Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria.