Vaccine Oxford giá chỉ 3 USD cho các nước có thu nhập thấp và trung bình

Hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford cam kết bán vaccine ChAdOx với giá phi lợi nhuận vĩnh viễn cho các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Chi tiết về thỏa thuận phân phối vaccine cho các quốc gia đang phát triển được hãng công bố cùng với kết quả thử nghiệm giai đoạn ba. Một mũi tiêm của Oxford chỉ có giá 3-4 USD, thấp hơn đáng kể so với mức giá 37 USD của Moderna hay 19,5 USD của Pfizer.

"Chuỗi cung ứng đơn giản và cam kết phi lợi nhuận của chúng tôi đảm bảo vaccine được phân phối rộng rãi, kịp thời. Điều này đồng nghĩa sản phẩm sẽ có giá cả phải chăng trên toàn cầu, đủ hàng trăm triệu liều tiêm khi được phê duyệt", AstraZeneca cho biết trong một thông cáo báo chí.

Hãng cam kết sẽ không kiếm lời từ vaccine. Các nước trong Liên minh châu Âu được tiêm chủng với giá 3 USD một mũi. Ông Olivier Nataf, người đứng đầu chi nhánh AstraZeneca ở Pháp, cho biết: "Chúng tôi sẽ sản xuất 3 tỷ liều vaccine vào năm 2021. Chúng ta không được quên rằng đây là cuộc chạy đua chống lại virus, chứng không phải cuộc chạy đua về vaccine giữa các hãng dược".

ChAdOx được điều chế dựa trên công nghệ vector, ổn định hơn so với phương pháp mRNA (thông tin di truyền) của hai đối thủ Pfizer và Moderna. Vaccine có thể lưu trữ ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường (2-8 độ C), bảo quản ngay tại cơ sở y tế thay vì đòi hỏi các tủ siêu lạnh đắt đỏ.


Một liều vaccine ChAdOx tại Đại học Oxford. (Ảnh: Oxford University).

Trong khi đó, "ứng viên" của Pfizer và Moderna cần hệ thống vận chuyển phức tạp, bao gồm nhà kho cấp đông ở sân bay, phương tiện làm lạnh, đá khô và cả thiết bị giám sát nhiệt độ GPS. Sau khi tới bệnh viện, vaccine vẫn cần bảo quản ở nhiệt độ cực lạnh. Ngay cả một số bệnh viện danh tiếng nhất nước Mỹ, như Mayo Clinic, cũng không đủ cơ sở vật chất để làm điều này. Tủ siêu lạnh có giá khoảng 5.000-15.000 USD. Các nhà sản xuất dự đoán đơn hàng có thể bị trì hoãn đến hàng tháng.

Lợi thế tiếp theo của Oxford dẫn đến mức giá rẻ là khâu sản xuất. ChAdOx được thử nghiệm trên hai liệu trình. Ở phác đồ một, tình nguyện viên nhận một nửa liều, sau đó ít nhất một tháng được tiêm liều đầy đủ, đạt hiệu quả 90%. Phác đồ thứ hai tiêm hai liều đầy đủ cách nhau một tháng, đạt hiệu quả 62%. Hiệu quả trung bình của hai phác đồ là 70%.

Như vậy, với phác đồ một, hãng dược có thể tiêm chủng cho nhiều người hơn và vẫn đạt hiệu quả cao. Giáo sư Andrew Pollard, giám sát viên chính của thử nghiệm, cho biết: "tiêm chủng nửa liều" là thông tin "hấp dẫn". "Chúng tôi có nhiều vaccine hơn để phân phối", ông nói.

Cập nhật: 24/11/2020 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video