Vì sao Nga bán Alaska cho Mỹ với giá rẻ mạt?

Vì sao Nga hoàng lại phải bán đi Alaska, miền đất giàu có tài nguyên của mình với cái giá rẻ mạt như vậy?

Năm 1867, Nga bán vùng lãnh thổ Alaska cho Mỹ với giá 7,2 triệu USD vào thời điểm mà nơi đây đã nổi danh với nhiều mỏ vàng và khoáng sản. Chỉ trong vòng 50 năm sau đó, người Mỹ đã khai thác lại được từ mảnh đất này số tiền gấp 100 lần. Nhưng vì sao Nga hoàng lại phải bán đi miền đất giàu có tài nguyên của mình với cái giá rẻ mạt như vậy?

Một lá đơn thỉnh cầu Nga sáp nhập trở lại Alaska đăng trên trang web của Nhà Trắng đã từng thu được trên 35.000 chữ ký trước khi bị gỡ bỏ. Nhiều người lâu nay vẫn tưởng rằng Mỹ đã cướp Alaska từ người Nga hoặc thuê nó rồi không trả. Nhưng trên thực tế thì thỏa thuận mua bán Alaska đã được hai bên ký kết chính thức và hợp pháp.


 Thỏa thuận mua bán Alaska đã được Mỹ và Nga ký kết chính thức và hợp pháp.

“Đặc sản” Alaska: Vàng và da rái cá

Thế kỷ 19, Alaska Nga là một trong những trung tâm thương mại quốc tế. Tại thủ phủ Novoarkhangelsk (ngày nay là Sitka), các nhà buôn mua bán nhiều hàng hóa như vải, trà từ Trung Quốc, thậm chí buôn cả băng tuyết tới miền nam Mỹ, vì thời đó chưa có tủ lạnh. Các nhà máy tàu thuyền được đóng tấp nập, các mỏ khai khoáng cũng bận rộn. Người ta đã biết đến một số lượng lớn các mỏ vàng trong vùng và việc bán lại mảnh đất giàu tài nguyên này thực sự là điên rồ.

Các lái buôn Nga tìm đến Alaska để săn tìm ngà moóc (ngày đó đắt ngang với ngà voi) và da rái cá biển – thứ hàng hóa rất giá trị được thổ dân Alaska cung cấp. Hoạt động thương mại được xúc tiến bởi Công ty Nga-Mỹ (RAC), vốn kiểm soát toàn bộ các mỏ khai khoáng ở Alaska và được hưởng nhiều ưu đãi độc quyền từ chính quyền Hoàng gia Nga. Hoàng gia không chỉ thu được những khoản thuế khổng lồ từ công ty, mà còn sở hữu một phần lớn cổ phần của RAC.

Người nắm quyền hành chính ở Alaska là lái buôn tài năng Alexander Baranov. Ông cho xây dựng các trường học, nhà máy, dạy người bản địa trồng khoai tây và rubataga, xây các xưởng tàu, pháo đài cũng như mở rộng buôn bán rái cá biển. Dưới thời Baranov, RAC làm ăn cực kỳ phát đạt, với lợi nhuận tăng trưởng hàng năm hơn 1.000%.

Nhưng khi Baranov nghỉ hưu, người thay thế ông là đại úy Hagemeister đã thay thế một loạt nhân viên, đưa vào nhiều cổ đông mới thuộc giới quân sự. Đội ngũ mới nhanh chóng chiếm hữu các cơ sở của RAC, nhưng hành động của họ đã hủy hoại công ty này. Lãnh đạo RAC hạ giá thu mua da rái cá biển xuống một nửa. Kết quả là trong vòng 20 năm sau đó, người Eskimo và Aleut bản địa đã bắt giết gần như hết sạch rái cá biển, làm cạn kiệt nguồn thu lợi nhuận nhất ở Alaska. Người bản địa đã dấy lên những cuộc nổi dậy, sau đó người Nga nã đạn từ tàu chiến hủy diệt các ngôi làng ven biển của họ.

RAC bắt đầu tìm kiếm các nguồn lợi khác, như buôn bán trà và băng tuyết, nhưng việc làm ăn ngày càng khó khăn ngay cả khi chính phủ trợ cấp 200.000 ruble mỗi năm.

Tình thế khó khăn

Khi cuộc chiến tranh Crimea nổ ra, các nước Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ đồng loạt chống lại Nga. Moskva không thể tiếp tục trợ cấp hay bảo vệ Alaska, khiến những tuyến đường biển qua đây dần bị tàu của các đồng minh kiểm soát. Ngay cả ngành khai thác vàng danh tiếng của Alaska cũng xuống dốc và xuất hiện mối lo ngại quân Anh có thể phong tỏa Alaska buộc người Nga phải tay trắng rời nơi này.

Căng thẳng giữa Moskva và London gia tăng, trong khi mối quan hệ với các nhà chức trách Mỹ lại nồng ấm hơn bao giờ hết. Cả hai bên gần như cùng lúc nghĩ tới ý tưởng mua bán Alaska. Vì thế, thay mặt Nga hoàng, phái viên Nga tại Washington ông Baron Eduard de Stoeckl đã mở cuộc đàm phán với ngoại trưởng Mỹ William Seward về thương vụ này.

Trong khi các nhà cầm quyền đang thương lượng thì dư luận cả hai nước đều phản đối một thỏa thuận như vậy. “Làm sao chúng ta có thể cho đi vùng đất mà ta đã đổ vào đó quá nhiều công sức thời gian để phát triển, mảnh đất nơi mà điện tín đã được đưa tới, nơi vàng đã được tìm ra?”, các tờ báo Nga đặt câu hỏi. “Tại sao người Mỹ lại cần ‘hộp băng’ này cùng với 50.000 người Eskimo hoang dã, ăn sáng bằng uống dầu cá”, báo chí Mỹ cũng nêu vấn đề. Ngay quốc hội Mỹ cũng không chấp thuận vụ mua bán.

Tuy vậy, ngày 30/3/1867, tại Washington D.C, hai bên đã ký thỏa thuận Nga bán cho Mỹ 1,5 triệu hecta đất tại Alaska với giá 7,2 triệu USD, tức là chỉ 2 xu/acre (tức 4,74 USD/km2).

Lễ chuyển giao chính thức diễn ra tại thủ phủ Novoarkhangelsk. Binh sĩ Nga và Mỹ xếp hàng dưới cột cờ, sau đó quốc kỳ Nga bắt đầu được hạ xuống trong loạt đại bác. Tuy nhiên một tình huống oái oăm đã xảy ra khi lá cờ mắc kẹt trên đỉnh cột, khiến một thủy thủ phải trèo lên gỡ và ném xuống. Lá cờ bay xuống trúng ngay lưỡi lê của hàng binh. Đó là một điềm gở!

Sau đó, người Mỹ bắt đầu trưng thu tất cả các tòa nhà trong thành phố Novoarkhangelsk và đặt lại tên thủ phủ Alaska là Sitka. Hàng trăm người Nga không chịu nhập quốc tịch Mỹ đã phải rời đi trên các tàu buôn.

Chỉ một thời gian ngắn sau, vàng bắt đầu chảy ra từ “hộp băng” Alaska, mang lại cho nước Mỹ hàng trăm triệu dollar.

Cập nhật: 24/08/2024 Báo Tin Tức
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video