Vì sao phần thịt nướng cháy có thể gây ung thư?

Phần cháy khét của thịt nướng có chứa các amin dị vòng và hydrocarbon thơm đa vòng - một loại chất có khả năng gây ung thư cao.

Thịt nướng vốn là món ăn được yêu thích với mùi vị và hương thơm hấp dẫn mà khó có phương pháp chế biến nào thay thế được. Tuy nhiên, bạn có biết thịt nướng cháy khét có khả năng tăng nguy cơ ung thư?

Theo PGS TS BS. Lâm Vĩnh Niên - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, các amin dị vòng và hydrocarbon thơm đa vòng là các hóa chất hình thành khi thịt (bò, heo, cá, gia cầm) được nấu ở nhiệt độ cao (chiên, nướng) trực tiếp trên ngọn lửa.

Các amin dị vòng được hình thành khi các axit amin, đường, creatine (là những chất có trong cơ) phản ứng với nhiệt độ cao. Các hydrocarbon thơm đa vòng được hình thành khi mỡ của thịt tiếp xúc trực tiếp với bề mặt nóng hoặc ngọn lửa, gây cháy và khói, từ đó dính lên bề mặt thịt. Trên thực nghiệm, các chất này có khả năng gây đột biến gene và từ đó làm tăng nguy cơ ung thư.


Nên sử dụng lò vi ba để nấu thịt trước khi nướng để giúp làm giảm thời gian tiếp xúc nhiệt độ cao.

Ngoài ung thư ruột, bàng quang và thận, nhiều nguyên cứu còn cho thấy tác hại của các chất này đến hệ thần kinh và khả năng sinh sản của nam giới khi ăn thường xuyên. Cụ thể, hàm lượng các amin dị vòng và hydrocarbon thơm đa vòng trong gần 0,9kg thịt nướng bị cháy khét tương đương với lượng benzopyrene (một loại chất có khả năng gây ung thư cao) có trong khói của 600 điếu thuốc lá.

Một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng và Ung thư (Journal of Nutrition and Cancer) đã khẳng định: "Việc tiêu thụ thịt nướng cháy tăng 28% nguy cơ ung thư đại trực tràng ở người trưởng thành".

Thực tế, thịt nướng cháy rất phổ biến, đặc biệt tại các quán vỉa hè sử dụng bếp than hoa. Việc nướng thịt lâu, để lớp bề mặt cháy vàng hoặc cháy đen là tình trạng thường gặp.

Cũng cần lưu ý rằng, xúc xích và các loại thịt chế biến sẵn thường chứa nhiều nitrite và nitrate. Đây là hai chất dùng để bảo quản màu sắc và kéo dài hạn sử dụng. Khi được nướng ở nhiệt độ cao, các chất này có thể chuyển hóa thành nitrosamine, một hợp chất gây ung thư mạnh mẽ.

Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Cancer Epidemiology, Biomarkers & Prevention cho thấy, tiêu thụ thịt chế biến sẵn nướng làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy lên đến 67%.


Thịt nướng là món ăn khoái khẩu của nhiều người khi đông về (Ảnh: Getty).

PGS TS BS. Lâm Vĩnh Niên cũng cho biết đến nay chưa có hướng dẫn chính thức về lượng amin dị vòng và hydrocarbon thơm đối với thịt. Để hạn chế nguy cơ phơi nhiễm với các hóa chất này, người dân cần lưu ý về phương pháp chế biến:

  • Tránh để thịt tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa hoặc bề mặt kim loại nóng.
  • Không kéo dài thời gian nấu (đặc biệt ở nhiệt độ cao).
  • Sử dụng lò vi ba để nấu thịt trước khi nướng để giúp làm giảm thời gian tiếp xúc nhiệt độ cao.
  • Xoay trở thịt liên tục khi nướng.
  • Bỏ phần mỡ khỏi thịt trước khi nướng.
  • Gỡ bỏ phần cháy đen của thịt, không dùng phần nước chảy ra.
  • Giữ vỉ nướng sạch dầu mỡ. Nếu khay nướng dính quá nhiều phần cháy đen từ những lần nướng trước, hãy làm sạch nó trước khi nướng để đảm bảo không ảnh hưởng đến lần nướng tiếp theo.
  • Kết hợp rau củ: Rau củ nướng không chứa protein nên không tạo ra HCAs khi nướng. Hãy bổ sung rau củ vào thực đơn để giảm thiểu nguy cơ từ thịt nướng.

“Chưa có thông tin về việc làm giảm các tác nhân sinh ung thư nêu trên bằng cách ăn kèm một thực phẩm khác. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy việc ướp thịt (đặc biệt với giấm, tỏi) có thể làm giảm nguy cơ hình thành các chất sinh ung thư”, bác sĩ Niên nói.

Cập nhật: 02/12/2024 Theo Zing/Dân Trí
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video