Cho đến giữa thế kỷ XIX, ở châu Âu, việc ngủ chung giường với người khác, thậm chí là người lạ, thường được coi là chuyện bình thường và phổ biến.
Nữ hoàng Đồng trinh Elizabeth I (Anh), dù chưa từng kết hôn, cũng chưa bao giờ ngủ một mình trong suốt 44 năm cai trị.
Trước năm 1861, ngủ tập thể là chuyện thường nhật. (Ảnh: BBC.com)
Theo sử sách Anh, vào năm 1187, Hoàng đế Richard I (1157 - 1199), người lúc này đang là vị tướng khét tiếng tàn bạo trên chiến trường đã yêu cầu được ngủ cùng giường với Hoàng đế Philip II (Pháp), người vừa mới bất ngờ từ thù thành bạn.
Ban đầu, cuộc gặp gỡ giữa Richard I và Philip II hoàn toàn vì mục đích chính trị. Anh và Pháp muốn kết liên minh thay vì chiến tranh với nhau, nên đã đặt họ vào thế phải làm bạn với nhau.
Tuy nhiên, sau thời gian gần gũi, ăn uống chung bàn, Richard I và Philip II đã ngày càng thân thiết với nhau hơn và cuối cùng, như một cách để chứng minh tình bằng hữu, họ ngủ cạnh nhau trên một chiếc giường.
Đối với người phương Tây thời cổ, trung đại, ngủ chung giường là chuyện thường thấy. Ngoài bằng hữu ngủ cùng nhau còn có người thân, người cùng nghề, thậm chí cả người dưng.
Giới bình dân ngủ chung giường vì thực tế thiếu giường, còn giới quý tộc ngủ chung giường vì muốn được ở bên cạnh người mình yêu quý để trò chuyện. Ngoài ra, ngủ chung giường còn là giải pháp đối phó cái lạnh và tìm kiếm cảm giác an toàn.
“Sẽ là bất thường nếu ai đó ngủ một mình”, Virginia Tech (Mỹ), tác giả của cuốn sách Ngày tàn: Lịch sử của màn đêm (At Day’s Close: A History of Nighttime) chỉ ra. Thập niên 1590, một thị trấn nhỏ ở Hertfordshire đã nổi tiếng khắp nơi nhờ sở hữu món đồ nội thất bằng gỗ sồi khổng lồ.
Đó là “Chiếc giường Vĩ đại” cao 2,7m, rộng 3,3m và dài 3,4m, cho phép nhiều du khách, thường là 4 cặp vợ chồng ngủ chung. Suốt cả thế kỷ, nó cuốn hút du khách, được cả nhà soạn kịch vĩ đại nhất mọi thời đại, Shakespeare (1564 - 1616) quan tâm. Theo truyền thuyết, kỷ lục của chiếc giường này được thiết lập vào năm 1689, với 26 cặp vợ chồng (tức 52 người) làm nghề bán thịt nằm ngủ cùng nhau qua một đêm.
Khác với từ “ngủ” mang cả ý nghĩa “đen tối” như ngày nay, ngủ chung lúc này chỉ đơn giản là ngủ sinh học. Ngủ tập thể đơn thuần là nhiều người chia sẻ nhau một chiếc giường để say giấc nồng.
Ở khía cạnh tích cực, nó giúp xóa bỏ giai cấp. Nhờ tục lệ ngủ chung giường mà thầy và trò, chủ nhân và người hầu, tướng và lính… có những đêm không thứ bậc.
"Chiếc giường Vĩ đại" nổi tiếng đến độ được Shakespeare nhắc đến của Anh. (Ảnh: BBC.com).
Một số tài liệu trung cổ viết rằng, ngủ chung rất có lợi. Nhật ký của hải quân người Anh, Samuel Pepys (1633 - 1703) kể lại lần Pepys ngủ cùng với một bác sĩ làm việc trong Hiệp hội Hoàng gia ở London. Trong khi Pepys không thể ngủ nổi vì bị bọ chét cắn, bác sĩ nọ ngáy khò khò nhờ đám bọ chét thích mùi máu của Pepys hơn ông ta nên không con nào quấy nhiễu.
Nữ hoàng Elizabeth I (1533 - 1603) có rất nhiều giường. Suốt đời, bà chưa từng kết hôn nhưng luôn được vây quanh bởi các thị nữ thân tín. Mỗi đêm, các thị nữ này lại phân chia nhau để ngủ cùng giường với nữ hoàng.
Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ nữ hoàng, họ còn đóng vai trò bạn tâm giao, giúp bà trút bỏ hết các cảm xúc khó chịu tích lũy suốt cả ngày trị quốc và chìm vào giấc ngủ êm ái.
Không chỉ Nữ hoàng Elizabeth I mà rất nhiều phụ nữ thường dân đã tìm kiếm được cảm giác an toàn và giấc ngủ sâu bên cạnh chị em, bạn bè của mình. Buổi tối, họ trò chuyện với nhau đến khi giấc ngủ kéo đến. Sáng ra, họ kể cho nhau nghe giấc mơ đêm qua và háo hức cùng nhau giải mộng.
Có điều, ngủ chung không phải chỉ toàn lợi ích. Đêm khuya ngày 9/9/1776, 2 nhà sáng lập nước Mỹ, Benjamin Franklin (1706 - 1790) và John Adams (1735 - 1826) đã tranh cãi nảy lửa chỉ vì chuyện nên đóng hay mở cửa sổ. Theo lời kể, Franklin đã đề nghị mở cho thoáng còn Adams thì muốn đóng cho khỏi lạnh. Hai người lời qua tiếng lại rồi cãi nhau om sòm.
Ngủ tập thể còn phiền hơn nữa, vì mỗi người một thói quen. Chưa hết, không phải tất cả mọi người đều có ý thức vệ sinh sạch sẽ. Nam - nữ nằm chung trong một không gian, ngay cả khi có rất đông người khác bên cạnh, cũng có lúc “bén lửa”.
Vào đầu thế kỷ XIX, các hộ gia đình ở Ireland đã thiết lập sơ đồ chỗ nằm ngủ với con gái cả nằm sát bức tường đối diện cửa ra vào, kế tiếp là các con gái thứ theo thứ tự tuổi tác giảm dần rồi đến cha mẹ, các con trai (cũng theo thứ tự tuổi tác), cuối cùng mới tới khách.
Ở các gia đình quý tộc, việc để nam - nữ hầu ngủ cùng nhau do thiếu giường cũng khiến nữ hầu “bỗng dưng có bầu”. Ngủ chung với người lạ thì đôi khi xuất hiện nguy cơ bị bạo lực tình dục, giết người cướp của và mất trộm.
Ở chương mở đầu của tiểu thuyết kinh điển Moby Dick (1851), tác giả Herman Melville (1819 - 1891) đã xây dựng tình tiết quán trọ chỉ còn duy nhất một chiếc giường trống. Nhân vật chính rơi vào tình thế phải ngủ chung với một thợ săn cá voi chưa biết mặt và vô cùng bất an, sợ rằng sẽ gặp nguy hiểm.
Trên tất cả, giường ngủ tập thể là ổ bệnh dịch. Trong điều kiện và ý thức vệ sinh có giới hạn ở thời trung đại, giường chung thường lúc nhúc bọ chét, chấy rận, nấm mốc… và tất nhiên, nó tiềm ẩn vô số nguy cơ gây bệnh. Đến giữa thế kỷ XIX, phương Tây thôi xem “ngủ một mình là bất thường”. Ngay cả các cặp vợ chồng cũng có xu hướng thích ngủ riêng giường cho ngon giấc.
Năm 1861, bác sĩ có ảnh hưởng người Mỹ, William Whitty Hall (1810 - 1876) tung cuốn sách chấm dứt ngủ tập thể: Giấc ngủ (Sleep). Ông kết tội, ngủ tập thể làm con người đánh mất sự riêng tư, tính tôn trọng lẫn nhau, đã mất vệ sinh còn vô đạo đức, thậm chí khiến con người “không khác gì động vật”. Dưới tác động của ông mà suốt 1 thế kỷ, người châu Âu tìm mọi cách ngủ riêng. Phải đến thập niên 1950, chuyện này mới bị đảo ngược.
Ngày nay, hầu hết mọi người đều thích ngủ một mình. Mỗi người đều có lý do riêng nhưng chung quy đều vì sức khỏe giấc ngủ.
Mặc dù, ngủ chung đầy bất tiện, nhưng nó cũng không ít lợi ích. Richard I và Philip II chính là bằng chứng. Một khi bạn đã vượt qua được sự e ngại thì phía sau toàn là sự thoải mái, an tâm. Việc có một hoặc nhiều người ngủ chung giường hóa ra lại lợi ích đúng như người xưa đã nhận thấy.