Cá mõm voi có thể theo dõi được chất lượng nước

  •  
  • 259

Ở các con sông Niregia miền Trung - châu Phi có một loài cá dài khoảng 10cm, hình dạng của chúng rất kỳ lạ bởi môi ở khoang miệng của chúng có hình dạng rất giống với mõm cá voi, vì vậy được gọi là cá mõm voi.

(Ảnh: lynxcs.com.au)

Cá mõm voi sống thích hợp ở những vùng nước sông đục, 2 mắt đã thoái hóa, thị lực rất kém; song các cơ thịt xung quanh phần đuôi của nó có thể phát ra hàng loạt xung điện liên tiếp dùng để thu thập thông tin về môi trường xung quanh.

Trong các điều kiện bình thường, mỗi phút cá mõm voi sinh ra từ 300 đến 500 lần mạch xung điện thế. Nhưng khi nước sông bị ô nhiễm, mạch xung điện của nó sẽ nhanh chóng tăng lên mỗi phút là trên 1000 lần; mức độ ô nhiễm của nước sông càng cao, tần số của mạch xung điện cũng càng lớn.

Do cá mõm voi có đặc tính này nên tín hiệu mạch xung điện của nó phát ra rất dễ lần theo dấu vết, các nhà khoa học Anh đã nghĩ đến việc sử dụng các tín hiệu xung điện mà cá mõm voi phát ra để đo chất lượng nước. Họ chỉ cần căn cứ vào tần số tín hiệu mạch xung điện do cá mõm voi phát ra lớn hay nhỏ sẽ đo được chất lượng ô nhiễm của nước và hiệu quả của việc này rất lý tưởng.

H.T (Theo Hỏi đáp khoa học)
  • 259