Con cá nhám phơi nắng, được gắn thiết bị theo dõi nhưng đã bị mất dấu, bất ngờ xuất hiện trở lại sau 3 năm.
Sự xuất hiện của con cá nhám phơi nắng cái đánh dấu lần thứ hai loài vật này bơi xuyên Đại Tây Dương, theo nghiên cứu của Đại học Queen's Belfast và Đại học Western được công bố trên chuyên san Sinh học Cá vào tháng 10.
Cá nhám phơi nắng được coi là một trong những loài cá kỳ dị nhất đại dương, có kích thước khổng lồ và vì vậy, cuộc phiêu lưu xuyên Đại Tây Dương của nó càng thu hút sự chú ý.
Nó được gắn thiết bị theo dõi vào tháng 8/2014 tại Malin Head, điểm cực bắc của Ireland và được xem là nơi tụ tập của cá nhám phơi nắng ở Đông Bắc Đại Tây Dương. Tuy nhiên, sau vài tháng, thiết bị đã ngừng truyền dữ liệu, theo CNN.
“Điều đó không có gì lạ”, Jonathan Houghton, một trong những nhà nghiên cứu chính của Đại học Queen's Belfast, nói. “Nếu bạn cài đặt thiết bị điện tử dưới biển, phải chấp nhận nó có thể gặp trục trặc sau một thời gian”.
Cá nhám phơi nắng đang ăn các sinh vật phù du ngoài khơi Land's End, Cornwall, Vương quốc Anh. (Ảnh: CNN).
Sau đó, con cá nhám phơi nắng được một nhiếp ảnh gia chụp dưới biển cách đó hơn 4.600km, ngoài khơi bờ biển Bắc Mỹ, vào tháng 6/2017.
Bức ảnh đã đi vòng quanh châu Âu và đến tay các nhóm nghiên cứu. Đó cũng là khi họ nhận thấy điều đáng kinh ngạc: “Đây chính là con cá mập họ gắn thiết bị 3 năm trước”.
"Cho đến thời điểm đó, chúng tôi chưa thể theo dõi chuyển động của một con cá mập trong hơn 9 tháng hay một năm. Vì vậy, một con cá nhám phơi nắng di chuyển đến tận 3 năm ở một phía khác của Đại Tây Dương đã thay đổi hoàn toàn cách nghĩ của chúng tôi”, ông Houghton nói.
Cá nhám phơi nắng được các nhà khoa học quan tâm vì số lượng của chúng ngày một suy giảm. Đây là loài “có nguy cơ tuyệt chủng” ở Đông Bắc Đại Tây Dương và Bắc Thái Bình Dương và “dễ tổn thương” trên thế giới, theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN)
Với chiều dài có thể đạt tới 12m, đây là loài cá lớn thứ hai còn tồn tại.