Trong khi loài bạch tuộc thuộc hàng "cụ tổ" Megaleledone setebos sống ở tầng nước nông để đón ánh nắng mặt trời thì rất nhiều hậu duệ của nó lại chấp nhận cuộc sống thiếu ánh sáng dưới đáy đại dương.
>>> “Người ngoài hành tinh” dưới đáy biển
Nghiên cứu quá trình tiến hóa của bạch tuộc là một phần trong dự án thống kê sinh vật biển lớn nhất từ trước tới nay. Dự án bắt đầu từ năm 2000 với sự tham gia của hơn 2.000 nhà khoa học từ 82 quốc gia và sẽ kết thúc vào năm 2010.
"Chúng tôi tập hợp nhiều loài bạch tuộc dưới đáy biển và đưa chúng tới Đại học Cambridge tại nước Anh để xét nghiệm ADN. Một chuyên gia hàng đầu của Anh sẽ xem xét mối quan hệ giữa các loài bạch tuộc và cách thức tiến hóa của chúng trong vòng 30 triệu năm", tiến sĩ Don O'Dor, một thành viên tham gia dự án, cho biết.
Tiến sĩ sinh học Jan Strugnell của Đại học Cambridge, người chịu trách nhiệm phân tích ADN của bạch tuộc nói thêm, bà đã tìm thấy tổ tiên chung của nhiều loài bạch tuộc. Đó là Megaleledone setebos - một loài sống ở tầng nước nông ở vùng biển thuộc Nam Cực. Jan khẳng định những thay đổi của biển đóng vai trò quan trọng đối với quá trình tiến hóa của nhiều loài mới.
Megaleledone setebos là tổ tiên chung của nhiều loài bạch tuộc dưới đáy đại dương. (Ảnh: BBC) |
Theo giải thích của Don O'Dor thì ở Nam Cực, nước ngọt tạo thành tinh thể băng, bỏ lại muối và oxy cho vùng nước xung quanh. Sau khi tích trữ oxy và muối đến một mức nào đó, vùng nước xung quanh tảng băng chìm xuống dưới vì nặng. Nhờ đó mà oxy được đưa xuống những tầng nước sâu. Một số nhánh của bạch tuộc Megaleledone setebos di chuyển xuống đó để sống. Các dòng hải lưu tiếp tục đưa oxy đi khắp nơi, kể cả những nơi sâu nhất của đại dương
"Trước khi quá trình đó bắt đầu, dưới đáy đại dương không hề có oxy", Don nhấn mạnh.
Nghiên cứu của tiến sĩ Jan Strugnell cũng cho chúng ta thấy quá trình thích nghi với cuộc sống dưới đáy đại dương của bạch tuộc. Chẳng hạn, chúng mất túi mực vì trong môi trường tối đen dưới đáy, bạch tuộc không cần vũ khí tự vệ.