Nỗ lực nhân giống của các nhà bảo tồn tại sở thú Rajshahi mở ra hy vọng hồi sinh loài cá sấu trên bờ vực tuyệt chủng ở Bangladesh.
Với mạng lưới sông ngòi dày đặc, Bangladesh từng là môi trường sống chủ yếu của cá sấu sông Hằng, loài bò sát săn mồi đặc biệt với chiếc mõm rất dài và mảnh dẻ. Nhưng ngày nay, chúng "gần như tuyệt chủng" ở quốc gia Nam Á này khi chỉ còn một vài cá thể được nuôi tại các sở thú.
Cá sấu sông Hằng sống tại sở thú Rajshahi. (Ảnh: AFP).
Dự án hồi sinh cá sấu sông Hằng được triển khai từ năm 2017 khi các nhà bảo tồn Bangladesh quyết định đưa một cá thể đực 41 tuổi tên Gorai từ thủ đô Dhaka về một sở thú ở thành phố Rajshahi, với hy vọng nó có thể giao phối với con cá sấu cái 35 tuổi tên Padma ở đây.
"Khi ghép đôi, đã có những lo ngại về khả năng thất bại của dự án bởi cả hai con cá sấu đều đã già và có thể không còn ham muốn giao phối. Nhưng sau hai năm, chúng không những giao phối thường xuyên mà còn bắt đầu sinh sản", Sarowar Alam, người đứng đầu dự án từ Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) hôm 27/10 cho biết.
Theo quản lý sở thú Farhad Uddin, hai quả trứng đầu tiên đã được tìm thấy vào tuần trước, nhưng đáng tiếc, chúng đã bị hỏng do ngập nước. "Tin vui là Padma đã bắt đầu sinh sản. Chúng tôi sẽ bổ sung một số bãi cát an toàn hơn để nó tiếp tục đẻ trứng", Uddin cho biết.
Chiếc mõm dài được sử dụng như một công cụ bắt cá. (Ảnh: Prague Zoo).
Quần thể cá sấu sông Hằng hiện chỉ còn dưới 200 con, chủ yếu sinh sống tại các con sông ở Ấn Độ và Nepal. Loài động vật cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ IUCN này đã biến mất hoàn toàn trên lãnh thổ Pakistan và Bhutan. Tương lai của những cá thể còn sót lại ở Bangladesh sẽ phụ thuộc nhiều vào sự thành công của chương trình nhân giống.