Cảm giác "cóng" không chỉ có ở con người: khỉ cũng bế tắc trước áp lực

  •  
  • 223

Dường như bộ não linh trưởng đã mang sẵn cảm giác "cóng", chỉ cần tình thế thích hợp là nó sẽ xuất hiện. Các nhà nghiên cứu đang đào sâu nghiên cứu cảm xúc kỳ lạ này.

Ngồi trong một căn phòng mờ sáng tại trung tâm nghiên cứu tại ở Pennsylvania, Earl vung tay về bên trái. Từ từ nâng và hạ cánh tay, Earl đồng thời quan sát vị trí của chấm đỏ trên màn hình máy tính đặt ngay trước mặt. Tay Earl đặt đâu, chấm đỏ trên màn hình nằm đó. Earl ra hiệu cho dấu chấm nhằm đưa nó tới một vùng màu sắc sặc sỡ trên màn hình, như Earl đã thực hiện trong hàng ngàn thử nghiệm trước đó. Anh hau háu nghĩ tới phần thưởng đạt được khi thành công, nhưng hỡi ôi: hết giờ! 

Earl, một con khỉ rhesus bế tắc trước áp lực, không thể đưa chấm đỏ tới điểm màu trước khi hết thời gian.

Bế tắc, hay game thủ vẫn thường gọi là "cóng", chỉ việc áp lực khiến bạn thất bại trong trường hợp cần đạt được mục tiêu. Trong bóng đá, nó là cú penalty bay lên khán đài; trong phỏng vấn, đó là lúc bạn nói nhăng cuội khi đối diện sếp lớn; bế tắc là nghịch lý khiến bạn vừa phân tích quá sâu tình huống đồng thời lại quên mất các chi tiết quan trọng, là lý do làm não bộ lạc trôi không ăn nhập với cơ thể bao bọc lấy nó.

Sút bóng ra ngoài gôn trong loạt đá penalty là một trong nhiều biểu hiện của "cóng" trên người.
Sút bóng ra ngoài gôn trong loạt đá penalty là một trong nhiều biểu hiện của "cóng" trên người.

"Bạn nghĩ nhiều quá, bạn đưa quá nhiều thứ vào đầu", Steven Chase, một kỹ sư y sinh công tác tại Carnegie Mellon cho hay. Chase có chuyên môn sâu trong nghiên cứu về vận động.

Bế tắc là trải nghiệm thường gặp, thế nhưng cơ chế này do não sản sinh vẫn còn là bí ẩn. Sóng não nào, chất hóa học gì do não sản sinh giải thích được sự "cóng"? Bế tắc diễn ra ở phần nào của não bộ? Giới khoa học đưa ra nhiều thuyết dựa trên hành vi con người và hình chụp cắt lớp não bộ. Nhưng để thực hiện những bài thử thần kinh với các giác hút lắp quanh đầu đo điện não, các nhà nghiên cứu cần quan sát hiện tượng này trên động vật trong phòng thí nghiệm trước.

Họ đang thực hiện bài thử trên ba con khỉ rhesus Earl, Nelson và Ford, chỉ đơn giản là quan sát chuyển động của khỉ bằng camera. Kết quả của nghiên cứu mới: nhóm có bằng chứng đầu tiên cho thấy con người không phải loài linh trưởng duy nhất bế tắc trước áp lực. Báo cáo khoa học đã được đăng tải trên PNAS.

Nhóm chỉ ra thứ gây ra hành vi này là cơ hội nhận về một giải thưởng lớn, phân tích của đội ngũ các chuyên gia liệt kê một số khả năng giải thích tại sao việc bế tắc lại xuất hiện. Trong thử nghiệm với chấm đỏ trên màn hình, khỉ phải chứng minh tốc độ và độ chính xác trong việc đưa chấm đỏ vào vùng quy định.

Xu hướng cho thấy phần thưởng càng lớn, hiệu năng của hành động càng cao. Mỗi khi thất bại, khỉ không bị phạt nhưng mỗi lần thành công, khỉ sẽ nhận một hớp nước. Nhưng khi đối diện với cơ hội nhận phần thưởng lớn, một bình nước đủ uống cả ngày, những con khỉ thất bại trong bài thử mà thông thường chúng dễ dàng làm tốt.

Khỉ Rhesus
Khỉ rhesus.

Việc chứng minh "sự cóng" hiện hữu trên những loài vật khác vừa thú vị, lại vừa mang lại nhiều giá trị có lĩnh vực nghiên cứu nhận thức. "Nó mở ra một cơ hội nghiên cứu mới", Sian Beilock, nhà nghiên cứu nhận thức não bộ và tác giả một cuốn sách nói về trạng thái bế tắc, nhận định với góc nhìn khách quan. "Nếu như hiểu được cơ chế ẩn bên dưới, ta có thể luận ra nhiều cách làm thuyên giảm cảm giác này".

"Trước thời điểm nghiên cứu xuất hiện, đây chỉ là trải nghiệm kỳ lạ thấy trên người", Aaron Batista, chuyên gia kỹ thuật sinh học đồng tác giả nghiên cứu mới, nhận định. Nhưng khi có được mô hình sơ khai của cơ chế hình thành bế tắc, các nhà nghiên cứu có thể giải mã được tín hiệu của não bộ trong tình huống căng thẳng; như cách vận động viên gắng gượng khi cận kề thất bại, hay não bộ của người khuyết tật khi điều khiển chi giả bằng ý nghĩ.

Lịch sử nghiên cứu não bộ cho rằng cảm giác "cóng" chỉ hiện hữu trên người, xuất thân từ một bộ não sở hữu những liên kết phức tạp. Nhưng nếu loài vật khác cũng có thể bế tắc, có lẽ đây là cơ chế đã tồn tại sẵn trong mọi bộ não.

Não, dù của ta hay của thú không nhận thức, đều cùng đưa ra những dòng suy nghĩ và tín hiệu tới các cơ khi theo đuổi phần thưởng lớn. Nếu phần thưởng lạ lùng sản sinh ra những tín hiệu não bộ hiếm có, việc rèn luyện và chặng đường tiến hóa không thể loại bỏ cái khác lạ này được; những phần thưởng lớn không xuất hiện đủ nhiều để não quen với việc chống chịu áp lực.

Nhóm nghiên cứu thiết kế trò chơi của mình đủ để làm khó khỉ, nhưng vẫn đủ đơn giản để dễ bề phân tích. Camera bắt chuyển động theo dõi tay khỉ có khả năng điều hướng chấm đỏ trên màn hình. Vì khỉ sẽ chỉ phải chơi một trò duy nhất, mọi khác biệt trong thành tích của khỉ mỗi lần chơi sẽ chỉ tới từ biến số duy nhất: phần thưởng sau mỗi màn chơi.

Con khỉ dần học được dấu hiệu nhận biết phần thưởng bằng ô màu khác nhau trên màn hình. Earl và các con khỉ khác đều hoàn thành xuất sắc khâu luyện tập, là lúc chúng chơi thành công mà không có phần thưởng. Khi một hớp nước biến thành vài ba ngụm, thành tích của khỉ tăng lên chút đỉnh. Theo logic này, phần thưởng gấp 10 lần ngụm nước đầu tiên sẽ khiến khỉ đạt thành tích cao nhất trong số các lần thử.

Trái với dự kiến, phần thưởng lớn đưa con khỉ vào trạng thái bế tắc. Earl thất bại trong toàn bộ 11 lần thử. 

Phân tích hàng ngàn lần tay khỉ chuyển động, sinh viên tham gia nghiên cứu Adam Smoulder quyết tìm ra nguyên nhân. Anh thấy rằng thời gian phản ứng và tốc độ khỉ di chuyển tay không cho ra xu hướng nào, nhưng có một yếu tố khiến thành tích con khỉ giảm sút: chúng cẩn thận hơn nhiều.

Trong các bài thử với phần thưởng vừa phải, hành động vung tay của con khỉ được chia rõ ràng thành hai giai đoạn: một là vung mạnh tay để nhanh chóng đưa chấm đỏ tới gần khu vực được tô màu, hai là hành động chậm rãi nhằm đưa chấm đỏ từ từ tới mục tiêu. Với phần thưởng lớn, cả ba con khỉ trong thử nghiệm đều thất bại. Thay vì vung tay như chúng vẫn hay làm nhằm nhanh chóng rút ngắn quãng đường chấm đỏ phải di chuyển, chúng từ từ đưa tay và hết thời gian trước khi chấm đỏ chạm tới ô màu.

"Những con khỉ bế tắc vì quá cẩn thận", nhà nghiên cứu Batista nói. Ở người, các nhà tâm lý học liên hệ cảm giác bế tắc với việc để ý tới từng tiểu tiết của chuyển động bản thân, là hành vi có tên riêng là "kiểm soát tính rõ ràng - explicit monitoring". Nghĩ về cách các chi di chuyển sẽ làm hành động chậm lại. Batista cho rằng đó chính là cảm giác con khỉ thất bại đã trải qua: chúng lạc mất mục tiêu và không đạt được giải thưởng lớn.

Một giả thuyết khác liên quan tới việc bế tắc: chuyển động chính xác dựa nhiều vào dopamin do não tiết ra, sẽ sản sinh từ trạng thái háo hức mong chờ phần thưởng lớn. Ở mức hợp lý, dopamine khiến chi cử động chính xác hơn, nhưng nếu phần thưởng tăng, háo hức lớn, các tín hiệu não bộ sẽ bị ngợp. Nhà nghiên cứu Chase nhận định phần thưởng quá lớn hay quá nhỏ đều có tiềm năng ảnh hưởng tới thành tích.

Lukas "gla1ve" Rossander
Lukas "gla1ve" Rossander, một trong những game thủ CS:GO đạt nhiều thành tích nhất lịch sử e-sports, vẫn đối diện với cảm xúc "cóng" khi thi đấu.

Nghiên cứu mới không chỉ ra được lý do khiến tình trạng bế tắc xảy ra, nhưng đặt những viên gạch nền đầu tiên cho những nhà khoa học khác nghiên cứu hoạt động não bộ trong hoàn cảnh áp lực.

"Có phải họ chỉ cho ta thấy đây là cách duy nhất khiến con người và con vật bế tắc? Không, nhưng họ chỉ được rằng đây là một trong nhiều cách", nhà nghiên cứu Beilock nói. Một bức phác họa những cơ chế ẩn sâu trong cấu trúc rất quan trọng, bởi lẽ ta chưa biết có bao nhiêu vùng não liên quan tới cảm giác này. Bắt trượt bóng là thất bại của chi, trả lời sai câu hỏi cuối cùng của Ai Là Triệu Phú là thất bại của nhận thức; sự bế tắc xuất hiện trong cả hai trường hợp đều xuất thân từ bộ não, nhưng chưa rõ một hay nhiều vùng não có liên quan. Đây là vấn đề đáng để nghiên cứu.

Với nhà nghiên cứu Chase, khoa học thần kinh liên quan tới bế tắc không hẳn là một nghiên cứu khiến người ta sầu não. Con người thỉnh thoảng vẫn bế tắc, nhưng hứa hẹn về một phần thưởng lớn lại khiến não sản sinh ra những tín hiệu lạ làm ảnh hưởng tới hoạt động cơ thể. Xác định được nó là bước đầu để loại bỏ nó.

Giờ ta đã biết không chỉ người mới biết "cóng". Các nhà nghiên cứu đang tìm cách ứng dụng sự thật này vào thứ thực tế hơn, đơn cử như chi nhân tạo cho người khuyết tật. "Bởi lẽ cảm xúc có thể ảnh hưởng tới cử động chi, nó sẽ là yếu tố khiến các nhà sản xuất chi giả phải lưu ý". Một cánh tay cơ học có thể lọc được những tín hiệu nhiễu loạn trong đầu để làm điều đúng đắn ắt sẽ hiệu quả lắm.

Cập nhật: 06/09/2021 Theo Pháp luật & bạn đọc
  • 223