Nhiều truyền thuyết kể lại, nếu người nào bắt gặp hay trực tiếp nhìn vào mắt của "chó ma" thì trong vòng 1 năm, nạn nhân sẽ lìa đời...
Tại Anh, dù đi bất cứ vùng nào bạn cũng có thể nghe được những câu chuyện rùng rợn về một loài sinh vật, nhìn giống chó nhưng to hơn chó rất nhiều. Nó được cho là "hung tinh" báo hiệu sự chết chóc và thường được người dân địa phương gọi là Black Dog hay Padfoot.
Theo mô tả phổ biến nhất, "chó ma" là một sinh vật màu đen, lông xù xì, to lớn, đôi mắt to có thể phát sáng trong đêm tối. Ngoài ra, chúng còn có thể tàng hình và thay đổi hình dạng.
Các câu chuyện về "chó ma" thường liên quan đến những khu vực như đường xe lửa, ngỏ cụt, nghĩa địa…
Ở Anh, câu chuyện về sinh vật này phổ biến nhiều đến độ, mỗi vùng lại có những biến thể riêng, cách lý giải khác nhau về loài sinh vật này.
Như ở vùng Dartmoor, mọi người đồn đại, "chó ma" chính là hồn ma của tên điền chủ ác độc Cabell, người đã bán linh hồn mình cho quỷ dữ để được giàu có. Khi gã chết đi, vì mong muốn không ai đụng vào gia tài của mình nên đã hóa thành bóng ma chó đen để bảo vệ của cải.
Theo lời kể của dân quanh vùng Suffolk, một điều kỳ lạ đã xảy ra vào 4/8/1577. Trong lúc những giáo dân của Bungay đang tập trung tại nhà thờ, một cơn bão bỗng ập đến bất ngờ.
Bầu trời đen kịt, từ giữa cơn bão, một con chó đen đột ngột xuất hiện. Nó chạy về phía nhà thờ khiến cho tất cả giáo dân hoảng loạn và bỏ chạy. Nó lao vào hai người đang quỳ cầu nguyện, giết chết họ gần như ngay lập tức và làm cho một người khác co quắp vì lửa thiêu.
Một truyền thuyết khác xuất hiện ở nhà tù Newgate vào năm 1596, khi một người bị quy là phù thủy đã bị tù nhân giết chết và ăn thịt. Từ đó, nhà tù này luôn bị ám ảnh bởi một con chó khổng lồ, được cho là hồn ma báo oán của người bị quy phù thủy kia. Bất cứ tù nhân nào cố gắng chạy trốn khỏi đây đều chết một cách bí ẩn.
Ngay cả trong cuốn sách của Augustus Hare “In My Solitary Life” đã thuật lại chi tiết về câu chuyện mà ông đã nghe từ một người đàn ông có tên Johnnie Greenwood, ở Swancliffe.
Hôm ấy, dù trời rất tối, ông Johnnie vẫn phải băng qua rừng cách Swancliffe khoảng 1,6km. Có điều lạ là khi đến lối đi vào rừng thì một con chó đen cứ đi theo ông. Nó cứ chạy bên cạnh ông cho đến tận khi ông ra khỏi khu rừng an toàn, sau đó thì nó biến mất rất nhanh như khi nó đến vậy.
Khi trở về nhà, ông ấy vẫn phải đi trên con đường mòn của khu rừng và lần này con chó đó cũng đi theo ông cho đến khi ông ra khỏi rừng thì mới biến mất.
Vài năm sau, có hai tên tù đã thú nhận chúng đã định cướp và giết ông Johnnie vào một buổi tối ở trong rừng nhưng sự xuất hiện của một con chó đen rất lớn đã ngăn chặn hành động của chúng.
Những bóng ma chó đen còn được đồn đại rằng chúng cũng hay viếng thăm những nơi rất đặc biệt như pháp trường hoặc những khu nghĩa địa. Người ta thường nhìn nó như một linh hồn trừng phạt những tội ác.
Năm 1751, có một con chó đen cứ hay lảng vảng quanh khu vực ở Tring, Hertfordshire - nơi người ta kết án tử hình một người phụ nữ vì nghi ngờ có phép thuật phù thủy. Ông hiệu trưởng trường làng ở đó còn trông thấy một con chó đen cứ hay đến chỗ đặt giá treo cổ.
Nó được miêu tả là rất to lớn, lông xù, có những chiếc răng dài, sắc nhọn, tai và đuôi dài còn đôi mắt rực ánh lửa rất đáng sợ.
Năm 2007 tấm hình chụp một nhóm học sinh đi dã ngoại (ảnh bên) trên núi đá Hound (vùng Dartmoor, Anh) gây chấn động lớn.
Cách đám nhỏ không xa, con thú lững thững băng qua cánh đồng cỏ với bộ lông đen kít, dày và lởm chởm, tai tròn, hai chân trước to khỏe “hứa hẹn” xé tan xác bất kỳ đối thủ nào. Nhiều người cho rằng rất có thể đó chỉ là một con gấu hoặc sói già. Nhưng dù là con gì đi chăng nữa, quái thú Dartmoor vẫn khiến tất thảy nông dân trong vùng mấy đêm nay mất ăn mất ngủ vì lo sợ đàn gia súc sẽ bị tấn công.
Falconer Martin Whitley, tác giả của tấm hình, nhớ lại: “Con thú chỉ cách chỗ tôi đứng khoảng 200 mét. Tấm thân khổng lồ của nó phủ toàn lông đen và xám rậm rì. Vai thì u lên như vai bò mộng, tai tròn ủng, đuôi dài và dầy, hình như bị cụt ở mấu chót đuôi. Căn cứ vào dáng chuyển động thì có vẻ như đó là một con cái”.
(Ảnh: BBC)
"Khi ấy đám học sinh đang trèo lên mấy tảng đá chụp ảnh, gây khá nhiều huyên náo. Nhưng không hiểu sao con thú mặc kệ và cứ thế bỏ đi”.
Theo đồn đại của dân địa phương, từ xa xưa trong núi đá Hound đã xuất hiện một đàn chó ma được gọi bằng cái tên “Chó địa ngục” hay “Chó Whist”. Truyền thuyết này chính là cảm hứng để nhà văn Arthur Conan Doyle viết nên tập truyện “Con chó của gia đình Baskervilles” trong bộ tiểu thuyết về thám tử Sherlock Holmes.
(Ảnh: BBC)
Về tấm hình kỳ lạ vừa chụp hôm 28/9, ông Mark Fraser - sáng lập viên tổ chức nghiên cứu mèo rừng quốc gia Anh - khẳng định: “Thoạt trông có vẻ giống gấu, chó sói nhưng theo kinh nghiệm bản thân, tôi có thể quả quyết không phải chó hoang. Nếu không muốn nói đó là con thú đầy bí ẩn”.