Lòng vị tha, khả năng cạnh tranh và tinh thần chấp nhận mạo hiểm của những người thuộc "thế hệ con một" tại Trung Quốc thấp hơn nhiều so với thế hệ trước.
Chính phủ Trung Quốc bắt đầu thực hiện chính sách một con từ năm 1979 để kiềm chế đà gia tăng dân số. Theo luật, mỗi gia đình ở thành thị chỉ được phép sinh một con. Chính sách này đã tạo ra hàng trăm triệu đứa con độc nhất. Họ được gọi là các "tiểu hoàng đế" vì được ông, bà, cha, mẹ thương yêu và chiều chuộng hết mực. Mọi đòi hỏi của phần lớn con một luôn được đáp ứng và chúng không phải cạnh tranh với bất kỳ ai trong gia đình.
Để tìm hiểu tác động của chính sách một con đối với các "tiểu hoàng đế", các nhà khoa học của Đại học Monash tại Australia tuyển 421 người (gồm cả nam giới và nữ giới) ở thành phố Bắc Kinh. Khoảng một nửa số họ chào đời trước năm 1979, khi Trung Quốc bắt đầu áp dụng chính sách một con, và số còn lại chào đời sau năm 1979.
Nhóm nghiên cứu yêu cầu các tình nguyện viên làm các bài kiểm tra để kiểm tra lòng vị tha, mức độ đáng tin cậy, quan điểm đối với sự mạo hiểm, khả năng cạnh tranh và tính cách cá nhân, AP đưa tin.
Hàng triệu "tiểu hoàng đế" tại Trung Quốc tận hưởng cuộc sống
vô cùng thoải mái do chính sách một con. (Ảnh: Global Post)
Kết quả cho thấy lòng vị tha, mức độ đáng tin cậy, khả năng cạnh tranh, tinh thần chấp nhận mạo hiểm trong cuộc sống của những người chào đời sau năm 1979 thấp hơn rõ rệt so với những người được sinh ra trước đó, trong khi mức độ bi quan và lo lắng của họ trước nghịch cảnh lại lớn hơn.
"Chúng tôi nhận thấy đứa con độc nhất chào đời sau năm 1979 có tinh thần chấp nhận rủi ro thấp hơn thế hệ trước. Họ không muốn làm việc trong những lĩnh vực đòi hỏi tinh thần mạo hiểm - chẳng hạn như thị trường tài chính - và rất sợ việc tự kinh doanh", Lisa Cameron, trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu.
Cameron nhận định rằng chính sách một con sẽ dẫn tới xu hướng lảng tránh những nghề mạo hiểm trong thị trường lao động và làm giảm số lượng doanh nhân, bởi dám mạo hiểm là một phẩm chất cần thiết của doanh nhân.
"Trong gia đình, con một có thể tiếp cận mọi điều kiện tốt nhất và được bao bọc cẩn thận. Khi vào đời, họ sẽ phải cạnh tranh sòng phẳng với những người khác. Tình trạng được nâng niu ở thời kỳ thơ ấu khiến họ cảm thấy hụt hẫng và lo lắng khi kiếm sống. Họ cũng không muốn phải cạnh tranh với người khác", Cameron lập luận.
Zou Hong, một chuyên gia của Học viện Quản lý Kinh tế Bắc Kinh, nói rằng phụ huynh của những đứa con một thường tỏ ra lo lắng quá mức cần thiết mỗi khi con ốm hoặc gặp sự kiện xấu. Nỗi lo của họ truyền sang con, khiến chúng trở nên nhạy cảm và dễ hoảng sợ hơn khi chúng trở thành người lớn.
Tuy nhiên, Cameron cho rằng có thể kết quả nghiên cứu của Đại học Monash không đúng với những công dân Trung Quốc sinh sau năm 1979 nhưng sống ở vùng nông thôn, nơi không phải chấp hành chính sách một con.