Danh hiệu "Người đàn ông chạy nhanh nhất hành tinh" tiếp tục gọi tên Noah Lyles khi hơn đối thủ Kishane Thompson 0,005 giây ở nội dung chạy 100 m Olympic Paris 2024.
Nội dung chạy 100 m Olympic Paris 2024 vừa chứng kiến một trong những cuộc đấu có kết quả sít sao nhất lich sử.
Khi Noah Lyles và Kishane Thompson - hai VĐV được xem như nhanh nhất hành tinh, vượt qua vạch cán đích, cả hai đều không dám ăn mừng. Họ biết mình đủ tiêu chuẩn giành huy chương Olympic, nhưng không biết chính xác bản thân về đích ở vị trí nào.
Phải đến tận khi kết quả hiển thị, NHM mới vỡ òa khi Noah Lyles tiếp tục giữ vững danh hiệu "Người đàn ông chạy nhanh nhất hành tinh" khi hơn đối thủ Kishane Thompson 0,005 giây.
Trước khi BTC công bố kết quả, các bình luận viên của dài NBC đều tuyên bố Kishane Thompson của Jamaica là người chiến thắng.
"Tôi đã đến gặp anh ấy trong khi đang chờ đợi kết quả. Tôi thậm chí còn chúc mừng anh ấy vì đã làm được rồi", NBC đưa tin rằng Lyles thậm chí đã tự nhận mình là người thua cuộc.
Thompson, người xuất phát ở làn số 4 lại không bị thuyết phục. 10 giây trôi qua, rồi 20 giây. Sau đó, gần 30 giây, câu trả lời đã xuất hiện.
VĐV đến từ Florida đã về đích với thời gian là 9,784 giây. Thompson, người được xem như "Tiểu Usain Bolt" của Jamaica, giành huy chương bạc với thành tích 9,789 giây. Fred Kerley (Mỹ) cũng theo sát với 9,81 giây, giành huy chương đồng.
Truyền thông thế giới gọi cuộc đua chung kết nội dung 100 m nam Olympic Paris 2024 là "gay cấn bậc nhất lịch sử", khi người vô địch chỉ hơn đối thủ 0,005 giây.
Ảnh chụp khoảnh khắc về đích của các VĐV tại nội dung chạy 100m Olympic Paris 2024.
Để dễ hình dung, một cái chớp mắt trung bình mất 0,1 giây, dài hơn khoảng cách giữa 2 người về đích của cuộc đua tới 20 lần.
Không chỉ sít sao ở hai người về đích, kết quả cuối cùng cho thấy 4 tay đua dẫn đầu chỉ cách nhau chưa đến 0,03 giây. Xét rộng hơn, trong 7 người về đích đầu tiên, khoảng cách chỉ là 0,09 giây.
Theo AP, đây cũng là kết quả sát nút nhất ở nội dung chạy 100 m, ít nhất kể từ Moscow năm 1980. Vào thời điểm đó, VĐV Allan Wells (Anh) đã đánh bại Silvio Leonard một cách sít sao trong thời đại mà bộ đếm thời gian điện tử còn chưa đạt đến phần nghìn giây.
Điều tương tự cũng xảy ra vào năm 1932, khi Eddie Tolan giành chiến thắng trong bức ảnh chụp đầu tiên của Thế vận hội.
Trong bức ảnh về đích, chiếc giày màu cam của Kerley đã vượt qua vạch đích trước tất cả. Tuy nhiên, theo luật lệ và quy định của Olympic, vận động viên đầu tiên có thân mình chạm đến mép gần nhất của vạch đích sẽ là người chiến thắng.
Điều đó có nghĩa là phần thân của cơ thể mới là phần quan trọng, trái ngược với phần đầu, chân tay hoặc bàn chân.
Đó chính là điều đã giúp Lyles giành được huy chương vàng và danh hiệu người đàn ông nhanh nhất thế giới, mặc dù một số người xem trực tiếp nhận thấy rằng giày của một số vận động viên khác đã về đích trước.
Hình ảnh chính thức từ Omega cho thấy phần ngực của Noah Lyles đã vượt qua 0,005 giây trước Thompson.
Bức ảnh từ Omega, đơn vị tính giờ chính thức của Thế vận hội, đã giúp mọi việc sáng tỏ. Theo các giám khảo, cơ thể của Lyles, từ xương đòn trở xuống đã vượt qua 0,005 giây trước Thompson.
Nếu không có công nghệ được hãng đồng hồ Omega áp dụng tại Olympic phục vụ đếm giờ, câu trả lời sẽ không bao giờ có thể làm hài lòng mọi người.
Thậm chí, nhiều môn thể thao quan trọng tại Olympic sẽ chẳng thể được tổ chức nếu thiếu đi công nghệ bấm giờ siêu chính xác của hãng đồng hồ Omega.
Cách đếm thời gian được cải tiến qua từng kỳ Thế vận hội. Hãng đồng hồ Omega của Thụy Sĩ cung cấp đồng hồ bấm giờ thủ công cho Olympic từ năm 1932.
Tại Olympic London 1948, hệ thống camera Magic Eye được áp dụng để xác định vận động viên về đích và ngừng đồng hồ. Trước đó, việc quan sát và bấm đồng hồ đều do con người thực hiện.
Cách đếm giờ thủ công vẫn được sử dụng trong 20 năm tiếp theo. Mexico 1968 là kỳ Olympic đầu tiên hoàn toàn áp dụng hệ thống đếm giờ điện tử. Tuy nhiên, khoảng 45 đồng hồ bấm giờ thủ công vẫn được chuyển đến đề phòng hệ thống gặp sự cố.
Camera đồng bộ với hệ thống đếm giờ lượng tử của Omega được sử dụng tại các kỳ Olympic để phân định người về đích trong môn điền kinh.
Olympic Paris 2024 đánh dấu lần thứ 30 mà Omega trở thành đối tác tính giờ chính thức của Thế vận hội. Quan hệ đối tác này bao gồm việc sử dụng các thiết bị phức tạp, cảm biến, máy ảnh, hệ thống định vị cũng như vô số các cải tiến khác.
Tại Olympic London 2012, hãng này giới thiệu máy đếm giờ lượng tử (Quantum Timer) có thể đo thời gian chính xác đến 1/1.000.000 giây.
Hệ thống đếm giờ của Omega tại Olympic được kết nối với camera Scan'O'Vision Myria, với khả năng chụp 10.000 hình ảnh/giây rồi gửi về ban giám sát để kiểm tra xem ai về đích trước.
Cụ thể, khi vận động viên chạy qua vạch đích, tia laser và các cảm biến sẽ kết nối với bộ đếm để tính giờ, hiển thị kết quả theo thời gian thực.
Hệ thống này cũng đồng bộ với súng ra hiệu khởi động, cảm biến gắn trên bàn đạp để phát hiện vận động viên phạm luật nếu chạy sớm hơn 0,1 giây khi súng được bắn.
Khoảng 80.000 người hâm mộ có mặt tại sân Stade France cũng mơ hồ về chủ nhân tấm HCV, chỉ có các thiết bị điện tử biết chính xác ai nhanh hơn.