Cuộc di cư lớn nhất hành tinh của đàn cá mòi

  •  
  • 126

Cuộc di cư hàng năm của những đàn cá mòi khổng lồ từ phía đông Nam Phi tới Ấn Độ Dương có quy mô lớn nhất hành tinh về mặt sinh khối.

Cuộc di cư của linh dương đầu bò trong chuyến đi khứ hồi vòng quanh vùng đồng bằng Serengeti là một trong những sự kiện ấn tượng nhất trên Trái đất, nhưng không phải cuộc di cư lớn nhất của động vật. Nếu tính theo sinh khối, trong trường hợp này là tổng khối lượng của một loài động vật ở khu vực chuyên biệt, cuộc di cư hàng năm của cá mòi thực sự đánh đại linh dương đầu bò, theo IFL Science.

Đàn cá mòi bơi qua con cá mập trong chuyến di cư của chúng.
Đàn cá mòi bơi qua con cá mập trong chuyến di cư của chúng.

Cá mòi di cư mỗi năm dọc theo vùng ven biển phía đông Nam Phi, với những đàn cá khổng lồ di chuyển từ vùng nước lạnh ngoài khơi mũi Agulhas về hướng bắc tới KwaZulu-Natal và Ấn Độ Dương. Đàn cá mòi có thể trải dài hơn 7km, rộng 1,5km và sâu 30m. Kết hợp lại, có hàng tỷ con cá mòi tham gia vào cuộc di cư. Dù đây là cuộc di cư thuộc hàng lớn nhất hành tinh, nó cũng kéo theo mặt bất lợi. Số lượng lớn cá mòi thu hút nhiều động vật săn mồi tranh thủ kiếm ăn, từ cá heo và cá mập tới chim biển và hải cẩu lông.

Nếu dễ trở thành mục tiêu của động vật ăn thịt, tại sao cá mòi vẫn di cư từ năm này qua năm khác? Sử dụng dữ liệu di truyền, một nghiên cứu năm 2021 xác định phần lớn cá mòi tham gia di cư có nguồn gốc ở Đại Tây Dương, nơi nước lạnh hơn. Sự trồi lên trong thời gian ngắn của nước lạnh ở vùng biển phía nam vốn thường ấm áp thôi thúc cá mòi di chuyển. Khi đợt nước trồi kết thúc, chúng phát hiện bản thân bị mắc kẹt ở khu vực chúng chưa kịp thích nghi và đối mặt nhiều động vật săn mồi.

Nhóm nghiên cứu kết luận cuộc di cư của cá mòi là "ví dụ hiếm và di cư hàng loạt không có lợi ích xứng đáng" và về cơ bản đây là một cái bẫy. Tuy nhiên, William Sydeman, nhà sinh thái học kiêm chủ tịch Viện nghiên cứu hệ sinh thái cao cấp Farallon ở Petaluma cho rằng cá mòi di cư để tranh thủ những điều kiện đại dương tạm thời có lợi ở Tây Cape.

Giáo sư Peter Teske ở Đại học Johannesburg cho rằng cuộc di cư của cá mòi có thể là chứng tích của hành vi đẻ trứng có niên đại từ kỷ Băng Hà. Môi trường sống ngày nay là vùng Ấn Độ Dương cận nhiệt đới khi đó từng là nơi phát triển quan trọng của cá mòi non với điều kiện nước lạnh. Nếu đúng như vậy, biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng tới tương lai của cá mòi.

Cập nhật: 21/10/2024 VnExpress
  • 126