''Cuộc đua" tái chế máy bay cũ theo hướng thân thiện với môi trường

  •  
  • 761

Hai hãng chế tạo máy bay Airbus và Boeing đang đua nhau tìm ra biện pháp tái chế ''đống rác'' máy bay cũ của họ theo hướng thân thiện với môi trường kể từ khi dư luận phản đối mạnh mẽ việc một chiếc Boeing 747 cũ bị phá dỡ và vứt bỏ bừa bãi tại một bãi đất hoang ở Scotland hai năm trước đây.

Theo nguồn tin ''Nhật báo Phố Wall'' cho biết các chuyên gia đang từng bước xác lập qui trình tháo dỡ máy bay cũ sao cho hợp lí nhất. Cho đến nay, kĩ thuật thông dụng là trước hết tháo dỡ những bộ phận còn dùng được. Đây được coi là hoạt động kiếm lời nhiều nhất trong quá trình tái chế "rác máy bay".

(Ảnh minh họa: Flightsim)Có trường hợp một chiếc A310 sau khi bị tháo tung, các động cơ của nó được bán đấu giá trên mạng với giá 1,6 triệu USD. Tính tổng cộng khoảng 1.500 chi tiết trên chiếc máy bay này được bán với giá khoảng 4 triệu USD. Do các qui định ngặt nghèo của Liên minh châu Âu (EU) về bảo vệ môi trường, công việc tháo dỡ máy bay đòi hỏi sự tham gia của các chuyên gia về quản lý rác thải và chịu sự giám sát chặt chẽ.

Tập đoàn tái chế Bartin, do công ty Boeing lập ra tại Pháp, cho biết họ có thể thu hồi tới 90% nguyên liệu từ chiếc máy bay cũ. Tuy nhiên, các quan chức hãng Airbus cho rằng nếu sử dụng kĩ thuật hiện tại, chỉ có thể tái chế khoảng 60%, mặc dù họ hy vọng đến năm 2015 sẽ có khả năng tái chế tới 95% chiếc máy bay cũ bỏ đi.

Tháng 4.2006, Hiệp hội tái chế máy bay cũ (AFRA) đã được thiết lập. Hiện AFRA bao gồm 23 công ty có khả năng tái chế mỗi năm 150 chiếc máy bay cũ.

Theo thống kê, tại các nước phương Tây, số máy bay cũ không được phép hoạt động còn chiếm một tỉ lệ khá lớn. Năm 1997, có khoảng 1400 chiếc, chiếm 8,3 % số máy bay của các nước này và tăng lên tới 3.500 chiếc vào năm 2003. Nhờ hoạt động của các cơ sở tháo dỡ máy bay cũ, năm 2007, con số này rút xuống còn gần 3.000 chiếc. Trong vòng 20 năm tới, trên thế giới sẽ có khoảng 7.000 chiếc máy bay chở khách hết hạn sử dụng.

PV

Theo TTXVN, Lao động
  • 761