Di chỉ khảo cổ thung lũng Lenggong

Di sản văn hóa thế giới tại Malaysia
  •  
  • 1.160

Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (Unesco) đã công nhận Di chỉ khảo cổ thung lũng Lenggong của Malaysia là Di sản văn hóa thế giới năm 2012.

Di chỉ khảo cổ Lenggong có lịch sử gần 2 triệu năm

Nằm trong thung lũng Lenggong của Malaysia, di chỉ khảo cổ Lenggong có lịch sử gần 2 triệu năm và là một di chỉ khảo cổ quan trọng trong việc tìm hiểu về lịch sử loài người. Di chỉ khảo cổ bao gồm khu vực ngoài trời và hệ thống hang động rộng lớn. Các hang động này chạy dọc theo chiều dài sông Perak được hình thành từ 1.800.000 đến 2.000.000 năm trước.

Theo các nhà khoa học đã có một thảm họa núi lửa xảy ra tại đây từ hàng triệu năm trước tạo nên những hố sâu lớn và những di chỉ hiện nay. Có khoảng 20 hang động được tìm thấy trong khu di chỉ này trong đó tại hang động Gua Gunung Runtuh các nhà khảo cổ đã khai quật và phát hiện ra một xương người tiền sử có tên Perak, đây là bộ xương người tiền sử còn nguyên vẹn và hoàn thiện nhất được tìm thấy ở Đông Nam Á.

Di chỉ xương người tiền sử được tìm thấy tại Di chỉ khảo cổ Lenggong.
Di chỉ xương người tiền sử được tìm thấy tại Di chỉ khảo cổ Lenggong.

Di chỉ khảo cổ thung lũng Lenggong được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới theo các tiêu chí:

Tiêu chí (iii): Tại Di chỉ khảo cổ thung lũng Lenggong có hàng loạt các hang động và khu vực khảo cổ ngoài trời chạy dọc theo sông Perak. Những di chỉ này có niên đại từ 1.800.000 đến 2.000.000 năm trước.

Tiêu chí (iv): Trong khu vực Di chỉ khảo cổ thung lũng Lenggong có những minh chứng về thảm họa núi lửa tạo nên một hợp chất trong đất rất đặc biệt.

Ngoài những tiêu chí trên Di chỉ khảo cổ thung lũng Lenggong còn mang nhiều ý nghĩa về văn hóa, lịch của của con người nói chung và cư dân Đông Nam Á nói riêng. Trong đó tính toàn vẹn của di chỉ được thể hiện qua môi trường sống màu mỡ và môi trường ổn định cho người dân tiền sử sinh sống. Mặc dù đã trải qua nhiều cuộc khảo cổ có quy mô lớn nhưng khu vực di chỉ này vẫn còn nhiều điều chưa được khám phá.

Các nhà khảo cổ đang tiến hành công tác khai quật tại di chỉ khảo cổ Lenggong
Các nhà khảo cổ đang tiến hành công tác khai quật tại di chỉ khảo cổ Lenggong

Ngoài tính toàn vẹn Di chỉ khảo cổ Lenggong còn có tính xác thực cao, ở đây tính xác thực được thể hiện qua hoàn cảnh và môi trường sống thời tiến sử vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay. Di chỉ khảo cổ Lenggong còn cho con người những bằng chứng về quá trình tiến hóa của người tiền sử và cách sống trong hang động, cách săn bắn, hái lượm của cư dân thời kỳ đó.

Trong các cuộc khai quật, các nhà nghiên cứu và khảo cổ đã tìm ra được rất nhiều các di chỉ xương người, các đồ săn bắn bằng đá của người tiền sử cách đây hàng triệu năm. Bên cạnh những hiện vật có lịch sử dài còn có cả các đồ gốm sứ như bình, lọ, bát... với niên đại ngắn hơn cũng được tìm thấy tại đây. Điều này cho thấy sự hiện diện của con người tại các di chỉ này trong một thời gian dài.

Các nhà nghiên cứu và khảo cổ đã tìm ra được rất nhiều các di chỉ xương người, các đồ săn bắn bằng đá của người tiền sử cách đây hàng triệu năm.

Các hiện vật, cổ vật khai quật được từ khu di chỉ
Các hiện vật, cổ vật khai quật được từ khu di chỉ

Bởi sự quan trọng của Di chỉ khảo cổ tại thung lũng Lenggong nên Chính phủ Malaysia đã có những biện pháp nhằm bảo vệ khu vực này tuy nhiên cho đến nay khu vực di chỉ vẫn còn nhiều mối nguy hại đe dọa. Đầu tiên là yếu tố thời gian và khí hậu, khi được trôn vùi dưới đất các cổ vật còn có lớp đất bảo vệ nhưng khi được đưa lên từ lớp đất sâu hàng trăm mét, khí hậu tác động mạnh lên những cổ vật này làm cho chúng bị hư hại nhanh chóng.

Yếu tố thứ hai là việc thiết lập các biện pháp bảo quản các cổ vật, hiện vật sau khi khai quật . Để bảo quản tốt các hiện vật cần những biện pháp chuyên môn cao và sự đầu tư lớn về kho lưu trữ phải đảm bảo về không khí, môi trường luôn ổn định. Điều này cần nhiều kinh phí trong khi kinh phí dành cho vấn đề bảo tồn thực sự không đáp ứng đủ. Hiện nay chính phủ Malaysia đang kêu gọi các quỹ hỗ trợ quốc tế tài trợ cho việc bảo tồn khu vực di chỉ khảo cổ này.

Năm 2005, Malaysia ban hành Luật di sản quốc gia và đến năm 2012 đã sửa đổi và bổ sung thêm những quy định nghiêm ngặt hơn về việc bảo vệ các di sản của đất nước. Theo đó, đối với Di chỉ khảo cổ thung lũng Lenggong, Chính phủ đã cho thiết lập 1 vành đai bảo vệ và 1 vùng đệm bên ngoài khu vực này. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đưa ra các quy định, quy chế cho ngành du lịch nhằm khai thác và phát triển tiềm năng du lịch của di sản này nhưng không được làm ảnh hưởng đến môi trường chung cũng như các giá trị của di sản Di chỉ khảo cổ thung lũng Lenggong.

Cập nhật: 20/04/2016 Theo disanthegioi.info
  • 1.160