Những mẫu hóa thạch răng giống người vượn nhỏ được tìm thấy ở Lybia chứng tỏ người cổ đại di cư từ châu Á đến châu Phi, chứ không phải theo chiều ngược lại như nhận định lâu nay của các nhà cổ sinh vật học.
Đây là nhận định của các nhà nghiên cứu trường Đại học Poitiers của Pháp công bố trên tạp khí khoa học "Tự nhiên" của Anh ra ngày 27/10.
Phát biểu với hãng tin AFP, ông Jean-Jacques Jaeger tham gia nghiên cứu trên nói rõ dựa trên những phát hiện ở Ai Cập và Algeria, thế giới từ trước đến nay chỉ biết đến một loài người vượn duy nhất xuất hiện ở châu Phi cách đây 37 triệu năm.
Tuy nhiên, những hóa thạch răng người vượn được tìm thấy ở vùng Dur At-Talah thuộc miền Trung Lybia cho thấy còn 3 loài người vượn khác tồn tại từ cách đây 38 triệu đến 39 triệu năm, trong đó có một loài sống ở châu Á.
Ông Jaeger cho biết các mẫu răng hóa thạch nói trên thuộc loài người vượn nhỏ, chỉ nặng từ 120 đến 470 gam ở tuổi trưởng thành. Các chi của loài người vượn này có thể cầm nắm được và có móng chứ không phải vuốt. Đuôi của chúng có tác dụng giữ thăng bằng khi trèo hoặc nhảy.
Theo ông Jaeger, những phát hiện nay chứng tỏ người vượn di cư từ châu Á sang châu Phi và tổ tiên của loài người chúng ta có vóc dáng rất nhỏ.
Phát hiện mới sẽ lại thổi bùng những tranh cãi vốn đã rất sôi nổi trong giới cổ sinh vật học về nguồn gốc loài người.
Phát hiện này còn đặt ra câu hỏi phải chăng cả 3 loài người vượn nhỏ mới được phát hiện đều có nguồn gốc từ châu Á, hoặc phải chăng các loài này là kết quả tiến hóa của loài vượn người được phát hiện ở châu Phi. Nhóm của ông Jaeger nghiêng về giả thiết thứ nhất.