Khẳng định giả thuyết di cư của người cổ đại

  •  
  • 1.305

Nghiên cứu xem xét toàn bộ mã gene của một loại virus phổ biến, gây bệnh cho người đã khẳng định giả thuyết di cư của loài người ra khỏi châu Phi - một luận điểm gây nhiều tranh luận trong giới nhân chủng học.

Loại virus được nghiên cứu là Herpes simplex virus loại 1 (HSV-1), thường chỉ gây loét nhẹ ở vùng miệng - theo giáo sư Curtis Brandt, Khoa Y - Vi sinh học và Nhãn khoa ĐH UW-Madison. Khi giáo sư Brandt và các đồng sự so sánh 31 chuỗi gene khác nhau của HSV-1 được thu thập từ Bắc Mỹ, châu Âu, châu Phi và châu Á, họ vô cùng ngạc nhiên trước kết quả các chuỗi gene của virus có thể chia thành từng nhóm khác nhau, trong đó các virus thu thập tại châu Phi gộp thành 1 nhóm, các virus từ vùng Viễn Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc hợp thành một nhóm và tất cả virus từ châu Âu, Mỹ hợp thành một nhóm khác.

“Những gì chúng tôi khám phá được giống hệt như những gì mà các nhà nhân chủng học và di truyền học đã chỉ ra từ các nghiên cứu gene người của họ, khẳng định việc con người đã bắt nguồn từ một nơi và sau đó tản cư ra khắp hành tinh” - giáo sư Brandt nói.

Khẳng định giả thuyết di cư của người cổ đại
Bản đồ di cư của người cổ đại. (Ảnh: BLACK HISTORY FACTION FICTION)

Những nghiên cứ gene người đã từng đặt ra giả thuyết rằng tổ tiên loài người đã bắt nguồn từ châu Phi vào khoảng 150.000-200.000 năm trước, sau đó một bộ phận nhỏ di cư đến vùng Trung Đông rồi tách ra về hướng Tây đến châu Á và hướng Đông về hướng châu Âu. Loại virus HSV-1 có lẽ đã bám theo các cộng đồng người cổ đại và tiến hóa theo các hướng khác nhau khi chúng được phân bổ theo các đợt di cư.

Một khám phá thú vị nữa là trong số các loại virus thu thập được ở Mỹ lại có một loại gene không giống như gene của các loại virus thu thập từ châu Âu, trong khi cư dân Mỹ hiện đại vốn là dân di cư từ châu Âu. Loại virus riêng lẻ này lại tập trung tại bang Texas và rất giống với virus từ châu Á, ám chỉ một giả thuyết khác: Dân châu Mỹ bản địa (hay còn gọi là người da đỏ) đã từng là người châu Á và di cư sang châu Mỹ qua một “cầu nối” đất liền vốn từng tồn tại ở vùng vịnh eo biển Bering.

Ngoài phát hiện quan trọng củng cố cho giả thuyết di cư của loài người, kỹ thuật được sử dụng trong nghiên cứu này cũng có thể đóng góp cho nghiên cứu gene virus trong tương lai, trong đó có việc phân nhánh, các bước đột biến của virus.

Theo NLĐ
  • 1.305